Biệt Động Quân VNCH

222px-Vietnamese_Rangers_SSI.svg

Trong khái niệm thuật ngữ quân sự Việt Nam Cộng hòa, Biệt động quân tương ứng với Lực lượng Ranger trong Lục quân Hoa Kỳ. Ngoài ra, một số lực lượng chuyên biệt khác có đặc điểm gần giống như Biệt động quân nhưng có chức năng hoạt động khác như Biệt kích (Commando), Lực lượng đặc biệt (Special Force) Biệt cách dù (Airbone Ranger). Hầu hết các lực lượng này đều có nguồn gốc từ Biệt động quân và về sau hình thành những Binh chủng riêng biệt trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Tháng 2 năm 1956, sau khi tiếp nhận căn cứ GCMA (Groupement de Commandos Mixtes Aéroportés, Lực lượng Biệt kích không vận hỗn hợp) của Pháp tại Nha Trang, với sự trợ giúp của Phái bộ Cố vấn Quân sự (Military Assistance Advisory Group – MAAG) Mỹ tại Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho thành lập Trung tâm Huấn luyện Biệt động đội, nhằm xây dựng cơ sở huấn luyện Biệt kích cho Việt Nam Cộng hòa. Về tổ chức, Trung tâm này được đặt dưới quyền quản lý của Nha Tổng Nghiên Huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa, về sau chuyển thuộc Sở Liên lạc, trực thuộc Phủ Tổng thống, có trách nhiệm huấn luyện các toán Biệt kích phá hoại, Thám sát, Trinh sát và Viễn thám làm nhiệm vụ xâm nhập sâu vào lãnh thổ miền Bắc.bdq

Hoạt động của Sở Liên lạc do Cố vấn Ngô Đình Nhu trực tiếp chỉ đạo, các sĩ quan Việt Nam chỉ huy, riêng các hoạt động Biệt kích đều do các cố vấn Mỹ trực tiếp quản lý, điều hành và huấn luyện[1]. Toàn bộ thành viên người Việt của các toán Biệt kích đều là người gốc miền Bắc, gồm cả quân sự lẫn dân sự, trong đó có một số lượng lớn là người dân tộc thiểu số. Các toán biệt kích này được tổ chức thành một đơn vị ngụy trang dưới tên gọi Liên đội quan sát số I,[1], về sau được nâng lên cấp Liên đoàn, tương đương quy mô cấp Trung đoàn.
Để tăng cường khả năng tác chiến của Quân đội Việt Nam Cộng hòa trước chiến thuật du kích của những người Cộng sản kể từ sau phong trào Đồng khởi, ngày 16 tháng 2 năm 1960, Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ thị thành lập các Đại đội Biệt động quân, tuyển chọn binh sĩ của các Sư đoàn Bộ binh và Quân khu, Binh chủng Dù và Thủy quân Lục chiến, huấn luyện kỹ năng hành quân độc lập, tác chiến chống du kích. Một số sĩ quan người Việt thuộc Liên đoàn quan sát số I được chuyển sang làm thành phần nòng cốt của Biệt động quân. Chiến thuật tác chiến ban đầu của các Đại đội Biệt động quân chủ yếu là trang bị vũ khí gọn nhẹ với quần áo bà ba đen, cơ động truy kích và tiêu diệt các đơn vị du kích Cộng sản hoạt động trên địa bàn.

Trung tâm huấn luyện Biệt động quân đầu tiên là trường Biệt động đội Đồng Đế (Nha Trang), về sau đổi thành Trung tâm huấn luyện Biệt động quân Nha Trang, chuyên huấn luyện cho sĩ quan và hạ sĩ quan thuộc Quân đoàn II. Cuối tháng 4 năm 1960, hai Trung tâm huấn luyện Biệt động quân mới được thành lập, một tại Đà Nẵng để huấn luyện cho sĩ quan và hạ sĩ quan thuộc Quân đoàn I, một tại Sông Mao huấn luyện cho sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc Quân đoàn III, và Quân đoàn IV. Ngoài ra, còn có 2 trung tâm huấn luyện khác là Trung Hòa và Thất Sơn, chuyên huấn luyện tác chiến cấp Đại đội. Khác với các toán Biệt kích của Liên đoàn quan sát số I do các cố vấn CIA trực tiếp quản lý, điều hành và huấn luyện, các toán Biệt động quân do các sĩ quan và hạ sĩ quan người Việt huấn luyện với sự trợ giúp của các cố vấn quân sự của Phái bộ Cố vấn Quân sự Mỹ (Military Assistance Advisory Group – MAAG).

Ngày 1 tháng 7 năm 1960, Lực lượng Biệt động quân được chính thức thành lập, do Thiếu tá Lữ Đình Sơn làm Chỉ huy trưởng. Quân phục chính thức của Lực lượng Biệt động quân cũng chuyển sang quân phục rằn ri đốm hoa với mũ nồi nâu. Mặc dù hình thành Bộ chỉ huy riêng, nhưng trên thực tế, các Đại đội Biệt động quân tác chiến theo sự chỉ huy của các Tư lệnh Sư đoàn hoặc Tiểu khu trưởng tại địa bàn hoạt động. Bộ chỉ huy Trung ương chỉ có nhiệm vụ quản trị, điều hành, bổ sung quân số, huấn luyện, trang bị, thanh tra, theo dõi, thống kê, báo cáo các hoạt động của các đơn vị Biệt động quân trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa.

Do tính chất này, khi cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960 nổ ra, mặc dù Chỉ huy trưởng Biệt động quân là Thiếu tá Lữ Đình Sơn bị 2 cấp phó là Thiếu tá Phan Trọng Chinh và Đại úy Phan Lạc Tuyên tước quyền chỉ huy và nắm lấy quyền điều động một số Đại đội Biệt động quân gần Đô thành Sài Gòn tham gia đảo chính, hầu hết các đơn vị Biệt động quân khác vẫn thuộc quyền của các đơn vị Sư đoàn và Tiểu khu, vẫn trung thành với Tổng thống Diệm và tham gia hành quân phản đảo chính. Nhờ vào hành động này mà Thiếu tá Lữ Đình Sơn không bị truy cứu trách nhiệm và vẫn được giữ chức Chỉ huy trưởng cho đến năm 1962.
Mặc dù vậy, hoạt động của những người Cộng sản vẫn không ngừng tăng lên. Ngày 15 tháng 2 năm 1961, các đơn vị vũ trang Cộng sản thống nhất thành Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, thành lập các đơn vị quân sự chính quy. Trước quy mô chiến tranh mở rộng, ngày 1 tháng 8 năm 1961, các Trung tâm Huấn luyện Đà Nẵng, Nha Trang, Sông Mao được hợp nhất thành Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ. Các trung tâm Trung Hòa và Thất Sơn cũng được sát nhập thành Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Trung Lập để có thể huấn luyện quy mô cấp Tiểu đoàn. Đầu năm 1962, các Đại đội Biệt động quân thuộc quyền các Tiểu khu được thu hồi để thành lập 3 Tiểu đoàn đặt dưới quyền các Quân khu là Tiểu đoàn 10 (Quân khu 1), Tiểu đoàn 20 (Quân khu 2) và Tiểu đoàn 30 (Biệt khu Thủ đô).

Sau những rối ren chính trị, từ năm 1965, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đi vào sự ổn định tương đối. Đến cuối năm 1965, các đại đội Biệt động quân độc lập còn lại cũng được bổ sung và tổ chức lại thành 17 Tiểu đoàn Biệt động quân. Từ năm 1966, Lực lượng Biệt động quân tiếp tục được cải tổ để thành lập các Liên đoàn Biệt động quân (gồm các Liên đoàn 1, 2, 3, 4, và 5), đặt trực thuộc các Quân đoàn. Nhiệm vụ của Lực lượng Biệt động quân cũng thay đổi, trở thành các đơn vị trừ bị, có khả năng cơ động nhanh, đối tượng tác chiến không còn là các toán du kích nhỏ mà là các đơn vị chủ lực của Quân Giải phóng cấp Trung đoàn. Liên đoàn 6 được thành lập vào năm 1968

Tính đến giữa năm 1969, Lực lượng Biệt động quân được tổ chức 6 Liên đoàn, trong đó có Liên đoàn 5 và 6 là Lực lượng Tổng trừ bị cho Bộ Tổng tham mưu, dưới sự điều hành của Bộ chỉ huy Biệt động quân Trung ương. Các Liên đoàn 1, 2, 3 và 4 là đơn vị Tổng trừ bị cho 4 Quân khu, với sự điều hành của 4 Bộ chỉ huy Biệt động quân Quân khu và dưới quyền điều động trực tiếp của các Tư lệnh Quân đoàn I, II, III và IV. Năm 1973, thành lập Liên đoàn 7 làm đơn vị Tổng trừ bị cho Bộ Tổng tham mưu.
Biệt động quân Biên phòng

Xem thêm: Lực lượng Dân sự chiến đấu

Từ cuối năm 1961, CIA đã xây dựng một kế hoạch mang tên “Chương trình Phòng vệ xóm làng” (Village Defense Program – VDP) nhằm tách rời các buôn làng dân tộc thiểu số khỏi ảnh hưởng tuyên truyền của những người Cộng sản; đồng thời xây dựng một lực lượng vũ trang gồm người dân tộc thiểu số để làm tăng thêm khả năng chống xâm nhập của những người Cộng sản vào những khu vực hẻo lánh, tăng khả năng kiểm soát chiến tranh ở vùng Cao nguyên.

Chương trình này dẫn đến việc hình thành các trại Biệt kích Dân sự ở Cao nguyên, chuyên thực hiện các nhiệm vụ phá hoại, ngăn chặn đường xâm nhập của các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Bắc vào Nam. Tháng 2 năm 1962, các đơn vị Biệt kích Dân sự này chính thức hợp thành Lực lượng Dân sự Chiến đấu (Civilian Irregular Defense Group – CIDG), do CIA trực tiếp thực hiện, nằm ngoài sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngày 23 tháng 77 năm 1962, theo Quyết định 57 An ninh Quốc gia của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, CIA sẽ bàn giao tất cả những hoạt động bán quân sự, kể cả Lực lượng Dân sự Chiến đấu, cho Bộ Tư lệnh Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam.

Sự hình thành một Lực lượng Biệt kích Dân sự vũ trang không chịu sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng dẫn đến những hệ lụy có tác động không nhỏ. Do mâu thuẫn sắc tộc, sự thiếu quan tâm, thậm chí kỳ thị, của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã góp phần dẫn đến việc nhiều Biệt kích quân người dân tộc thiểu số tại Việt Nam đang chiến đấu cho Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ và Lực lượng Dân sự chiến đấu đã tham gia Phong trào ly khai BAJARAKA. Dù sao, dưới sự dàn xếp của người Mỹ, những mâu thuẫn tạm thời chưa bùng nổ lớn. Các Biệt kích quân người dân tộc thiểu số tại Việt Nam vẫn chiến đấu dưới quyền chỉ huy của người Mỹ cho đến tận năm 1970, khi các đơn vị thuộc Lực lượng Dân sự Chiến đấu được người Mỹ bàn giao một phần cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa và được cải tổ thành Lực lượng Biệt động quân Biên phòng.
Phát triển thành đại đơn vị

Cùng với sự tiếp nhận và tái tổ chức các trại Biệt kích thuộc Lực lượng Dân sự Chiến đấu thành các Tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng, cũng như các Liên đoàn thuộc Lực lượng đặc biệt vừa bị giải thể thành Liên đoàn Biệt động quân thứ 7. Tính đến cuối năm 1971, lực lượng Biệt động quân có 21 Tiểu đoàn Biệt động quân chính quy và 37 Tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng. Mỗi Quân khu đều tổ chức Bộ chỉ huy Biệt động quân của Quân đoàn, chỉ huy 1 Liên đoàn Biệt động quân chính quy và một số Tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng. Riêng các Liên đoàn 5, 6, 7 do Bộ chỉ huy Biệt động quân Trung ương trực tiếp chỉ huy.

Trước tình hình chiến tranh khốc liệt, và quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, tháng 9 năm 1973, Đại tướng Cao Văn Viên đưa ra kế hoạch tái tổ chức lại 58 Tiểu đoàn Biệt động quân (kể cả Biệt động quân Biên phòng) thành 45 Tiểu đoàn, bỏ các đồn trại Biên phòng (trừ một số các đồn trại ở những nơi xung yếu) để hình thành Lực lượng Trừ bị ở cấp Quân đoàn và Tổng trừ bị. Theo đó, 45 tiểu đoàn Biệt động quân sẽ tổ chức thành 15 Liên đoàn, trong đó có 2 Liên đoàn Tổng trừ bị (sau tăng thêm Liên đoàn 4 rút từ Quân đoàn IV về). Các Liên đoàn này được bố trí như sau:

Quân khu 1: Các Liên đoàn: 11, 12 (Liên đoàn 1 cũ), 14 và 15
Quân khu 2: Các Liên đoàn: 21, 22, 23 (Liên đoàn 2 cũ), 24, và 25
Quân khu 3: Các Liên đoàn: 31 (Liên đoàn 3 cũ), 32 (Liên đoàn 5 cũ), và 33

Các Liên đoàn 4, 6 và 7 thuộc Lực lượng Tổng trừ bị cho Bộ Tổng tham mưu.

Lực lượng Biệt động quân vào những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam liên tục được tăng cường, nhằm tổ chức một lực lượng trừ bị mạnh để thay thế cho Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thủy quân lục chiến đang bị mắc kẹt với chiến trường Quân khu I. Cuối năm 1974, Liên đoàn 8 được thành lập, tháng 3 năm 1975, Liên đoàn 9 được thành lập. Một dự định tổ chức các đơn vị Biệt động quân thành cấp Sư đoàn để làm Lực lượng Trừ bị Chiến lược đã được hình thành. Tuy nhiên tình hình đã quá trễ.
Tan rã

Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đánh tan rã binh lực của 2 Quân đoàn và 2 Sư đoàn Tổng trừ bị của Việt Nam Cộng hòa. Lực lượng Biệt động quân chỉ còn lại 8 Liên đoàn, dự kiến sẽ tổ chức thành 3 sư đoàn Biệt động quân, đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh Biệt động quân do Thiếu tướng Đỗ Kế Giai làm Tư lệnh, Đại tá Trần Công Liễu làm Tham mưu trưởng. Hai Bộ Tư lệnh cấp Sư đoàn được thành lập gồm Sư đoàn 101 do Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn làm Tư lệnh, và Sư đoàn 106 do Đại tá Nguyễn Văn Lộc (nguyên Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Biệt động quân Trung ương) làm Tư lệnh. Tuy nhiên, tốc độ thành lập các Sư đoàn này không theo kịp với tốc độ hành quân của đối phương. Các đơn vị Biệt động quân chiến đấu trong những giờ cuối cùng của chiến tranh với đội hình cấp Tiểu đoàn, không thể chống nổi với đội hình quân đoàn hợp thành với thế mạnh áp đảo của đối phương, lần lượt tan rã. Đơn vị buông súng rã ngũ cuối cùng trưa 30 tháng 4 năm 1975 là Tiểu đoàn 43, sau khi nhận được lệnh đầu hàng từ Tổng thống Dương Văn Minh và Tư lệnh Đỗ Kế Giai.
Chỉ huy trưởng qua các thời kỳ
TT Họ & tên Cấp bậc Tại chức Ghi chú
1
Lữ Đình Sơn
Thiếu tá
7/1960-10/1960
Chỉ huy trưởng đầu tiên.
2
Phan Trọng Chinh
nt
10/1960-11/1960
Tham gia cuộc đảo chính 11/11/1960. Chức vụ sau cùng: Trung tướng, Chỉ huy trưởng trường Chỉ huy & Tham mưu
3
Phan Đình Thứ
(Lam Sơn)
Đại tá
11/1960-5/1962
Chỉ huy trưởng lần thứ nhất
4
Tôn Thất Xứng
nt
5/1962-8/1964
Chúc vụ sau cùng: Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng trường Đại học Quân sự (1964-1967)
5
Phan Xuân Nhuận
nt
8/1964-3/1966
Chức vụ sau cùng: Chuẩn tướng, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh (3/1966).
6
Trần Văn Hai
Trung tá
3/1966-6/1968
Chức vụ sau cùng: Chuẩn tướng, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh.
7
Trần Công Liễu
Đại tá
6/1968-8/1972
Chức vụ sau cùng: Đại tá, Đặc khu trưởng kiêm Thị trưởng Cam Ranh
8
Đỗ Kế Giai
Chuẩn tướng
8/1972-30/4/1975
Chỉ huy trưởng sau cùng. Vinh thăng Thiếu tướng (1974)
Chú thích
^ a ă Cuộc đấu tranh chống gián điệp Biệt kích ở miền Bắc

Tham khảo

Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Trang chủ của Tổng hội Ái hữu Biệt động quân Việt Nam