Sư Đoàn 5 BB.VNCH

ARVN_5th_Division_SSI.svg

SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH

Bản Doanh: Căn cứ Lai Khê, Bình Dương

Sư đoàn 5, là một trong 3 đơn vị chủ lực thuộc Quân đoàn III & Quân khu 3 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đây là một đơn vị quân đội lớn, từng tham dự nhiều trận quan trọng trong Chiến tranh Việt Nam. Lãnh thổ hoạt động và trách nhiệm bảo vệ là khu vực các tỉnh phía đông của miền Nam Việt Nam Cộng hòa. Nơi đây có chiến khu D là mật khu của Lực lượng mang danh Quân giải phóng, là thành phần của Quân đội Bắc Việt.
Sư đoàn 5 được thành lập vào ngày 9 tháng 3 năm 1955 tại Sông Mao, Quận Hải Ninh, Bình Thuận với danh xưng ban đầu là Sư đoàn 6 bộ binh.

Nghị định số 040-QP/NĐ ngày 10-2-1955.
Sự vụ văn thư (SVVT) số 15590/TTM/1/1/S ngày 22 tháng 11 năm 1954.

Ngoài dân gian còn gọi Sư đoàn 6 bộ binh là Sư đoàn “Nùng” (vì các quân nhân trong Sư đoàn từ chỉ huy đến binh sĩ hầu hết là người dân tộc Nùng ở miền Bắc) do Đại tá Vòng A Sáng (sau cải thành họ Hoàng, là cựu sinh viên sĩ quan trường Võ bị Saint Cyr, Pháp) làm Tư lệnh đầu tiên.

Sư đoàn 6 là biến thân của Sư đoàn 3 bộ binh thuộc Quân đội Liên hiệp Pháp, đồn trú tại vùng biên giới Việt-Hoa, với nhiệm vụ bảo vệ khu vực mỏ than Móng Cái, Hòn Gai (thời kỳ này cũng do Đại tá Sáng chỉ huy).

Sau Hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954, Sư đoàn 3 bộ binh di chuyển vào Nam và đồn trú tại Sông Mao, sau đó giải tán và dùng làm nòng cốt để thành lập Sư đoàn 6.

Ngày 1 tháng 8 năm 1955, Sư đoàn 6 bộ binh được đổi tên thành Sư đoàn dã chiến số 6. Đến ngày 1 tháng 9 cùng năm, Sư đoàn dã chiến số 6 được đổi tên thành Sư đoàn dã chiến số 41.

Ngày 1 tháng 10 năm 1955, Sư đoàn dã chiến số 41 được đổi tên thành Sư đoàn dã chiến số 3 (Sự vụ văn thư số 3975/TTM/1/1/SC ngày 17/9/1955).

Ngày 1 tháng 12 năm 1958, Sư đoàn dã chiến số 3 được tăng cường thêm 2 Trung đoàn địa phương 130 và 162, đổi tên lần cuối cùng thành Sư đoàn 5 bộ binh. Vùng hoạt động trong lãnh thổ các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long. Ban đầu đặt bản doanh tại Phú Lợi, Thị xã Thủ Dầu Một, sau dời lên Lai Khê, Quận Bến Cát cho đến tháng 4/75 (cả 2 địa điểm đều thuộc tỉnh Bình Dương).

Nhiệm vụ của Sư đoàn 5 không kém phần quan trọng so với các Sư đoàn bạn thuộc Quân đoàn III nói riêng và đối với “Quân lực” nói chung. Sư đoàn có trọng trách bảo vệ và an ninh tuyệt đối vùng biên cương, vì địa bàn hoạt động của Sư đoàn (giáp ranh với nước bạn Campuchia) là cửa ngõ phía bắc của Thủ Đô Sài Gòn.

Năm 1972, Sư đoàn là đơn vị chủ lực của mặt trận Bình Long, đã kiên cường bảo vệ Thị xã An lộc trong suốt 3 tháng trời (từ thượng tuần tháng 4), đã anh dũng chiến đấu chống lại sự tấn công và lấn chiếm của Quân đội Bắc Việt (lợi dụng biên giới giữa Việt Nam, Campuchia và núp dưới danh nghĩa Mặt trận giải phóng miền Nam). Đồng thời đã cùng các đơn vị bạn (gồm: Lực lượng Nhảy dù, Liên đoàn 81, các Trung đoàn của sư đoàn 18 và 21 bộ binh) đẩy lùi địch quân về phía biên giới Việt-Miên.

Trong lịch sử “chiến tranh bảo vệ tự do” của Việt Nam Cộng hòa gọi thời điểm này là Mùa hè đỏ lửa.
Đơn vị trực thuộc

*Từ “Đại đội Tổng hành dinh” đến “Thiết đoàn Kỵ binh”, được gọi là “Đơn vị Yểm trợ” trực thuộc Sư đoàn

TT Đơn vị Chú thích TT Đơn vị Chú thích
1

Trung đoàn 7
Bộ binh

10

Biệt đội Quân báo

2

Trung đoàn 8
Bộ binh

11

Biệt đội Kỹ thuật

3

Trung đoàn 9
Bộ binh

12

Biệt đội Tác chiến
Điện tử

4

Đại đội*
Tổng hành dinh

13

Tiểu đoàn Quân y

5

Đại đội Trinh sát
Trực tiếp dưới quyền điều động của Tư lệnh Sư đoàn
14

Tiểu đoàn Truyền tin

6

Đại đội Quân cảnh

15

Tiểu đoàn Tiếp vận

7

Đại đội Công vụ

16

Tiểu đoàn
Công binh

8

Đại đội Vận tải
(Quân xa)

17

Trung đoàn
Pháo binh
Các Tiểu đoàn: 50 (155ly), 51. 52, 53 (105ly)
9

Đại đội

Hành chính Tài chính

18

Thiết đoàn 1
Kỵ binh
Thuộc Lữ đoàn 3 Kỵ binh, dưới quyền Chỉ huy của Tư lệnh Sư đoàn
Bộ Tư lệnh & Trung đoàn trực thuộc

Chức danh Chỉ huy & Tham mưu sau cùng:

TT Họ & Tên Cấp bậc Chức vụ Chú thích
1

Lê Nguyên Vỹ

Võ bị Đập Đá Huế K2

Chuẩn tướng

Tư lệnh
Tự sát ngày 30 tháng 4 năm 1975
2

Trần Văn Thoàn

Đại tá

Tư lệnh phó

3

Từ Vấn

Võ bị Đà Lạt K12

nt

Tham mưu trưởng

4

Nguyễn Văn Vượng

nt

Chỉ huy
Trung đoàn 7

5

Nguyễn Bá Mạnh Hùng

Võ bị Đà Lạt K10

nt

Chỉ huy
Trung đoàn 8

6

Trần Phương Quế

nt

Chỉ huy
Trung đoàn 9

Pháo binh Sư đoàn

Đơn vị Yểm trợ
Chức danh Chỉ huy sau cùng:

TT Họ & Tên Cấp bậc Chức vụ Đơn vị Chú thích
1

Tống Mạnh Hùng
Sĩ quan Thủ Đức K5

Trung tá

Chỉ huy trưởng

Bộ chỉ huy Pháo binh
Sư đoàn
Tiểu đoàn: 50, 51, 52, 53

Trực thuộc Bộ chỉ huy
Pháo binh Quân khu 3.
Phối thuộc Sư đoàn 5 bộ binh
2

Phan Đình Dậu
Sĩ quan Thủ Đức K5

nt

Tiểu đoàn trưởng

Tiểu đoàn 50

Trực thuộc Bộ chỉ huy Pháo binh Sư đoàn
3

Phạm Ngọc Quỳ

Thiếu tá

nt

Tiểu đoàn 51

nt
4

Hoàng Trung Liêm
Võ bị Đà Lạt K13

Trung tá

nt

Tiểu đoàn 52

nt
5

Trần Vĩnh Tươi
Sĩ quan Thủ Đức K7

Thiếu tá

nt

Tiểu đoàn 53

nt
Tư lệnh Sư đoàn

Kể từ ngày thành lập đến sau cùng, trải qua 17 vị Tư lệnh

TT Họ & Tên Cấp bậc
tại nhiệm Thời gian
tại chức Chú thích
1

Vòng A Sáng
Trường Sĩ quan Pháp

Đại tá

3/1955-10/1955
Giải ngũ ở cấp Đại tá. Thân phụ Đại tá Hoàng Gia Cầu
2

Phạm Văn Đỗng
Võ bị Móng Cái

nt

10-/1955-3/1958
Giải ngũ năm 1965 ở cấp Thiếu tướng
3

Nguyễn Quang Thông
Võ bị Huế K2

Trung tá

3/1958-9/1958
Sau là Đại tá Tỉnh trưởng Tây Ninh. Giải ngũ
4

Tôn Thất Xứng
Võ bị Huế K1

Đại tá
(9/1958)

9/1958-11/1958
Giải ngũ năm 1967 ở cấp Thiếu tướng
5

Đặng Văn Sơn
Hạ sĩ quan Pháp

Trung tá

11/1958-8/1959
Sau là Đại tá Chỉ huy trưởng Hạ sĩ quan Đồng Đế, Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ. Giải ngũ
6

Nguyễn Văn Chuân
Võ bị Huế K1

Đại tá
(1958)

8/1959-5/1961
Giải ngũ năm 1966 ở cấp Thiếu tướng
7

Trần Ngọc Tám
Võ bị Viễn Đông

Thiếu tướng
(1958)

5/1961-10/1961
Giải ngũ năm 1974 ở cấp Trung tướng
8

Nguyễn Đức Thắng
Sĩ quan Nam Định

Đại tá
(2/1961)

10/1961-12/1962
Giải ngũ năm 1973 ở cấp Trung tướng
9

Nguyễn Văn Thiệu
Võ bị Huế K1

Đại tá
(1959)
Thiếu tướng
(11/1963)

12/1962-2/1964
Sau là Trung tướng. Đắc cử Tổng thống Việt Nam Cộng hòa 2 nhiệm kỳ (1967-1975)
10

Đặng Thanh Liêm
Võ bị Liên quân Viễn Đông

Đại tá
(1963)
Chuẩn tướng
(2/1964)

2/1964-6-1964
Giải ngũ năm 1965 ở cấp Thiếu tướng
11

Cao Hảo Hớn
Võ bị Liên quân Viễn Đông

Chuẩn tướng
(5/1964)

6/1964-10/1964
Sau cùng là Trung tướng Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng
12

Trần Thanh Phong
Võ bị Huế K2

Đại tá
(1963)
Chuẩn tướng
(10/1964)

10/1964-7/1965
Năm 1972, tử nạn máy bay Carribou ở cấp Thiếu tướng. Được truy thăng Trung tướng
13

Phạm Quốc Thuần
Võ bị Đà Lạt K5

Đại tá
(1964)
Chuẩn tướng
(1966)
Thiếu tướng
(1968)

7/1965-8-1969
Sau cùng là Trung tướng Chỉ huy trưởng trường Hạ sĩ quan Đồng Đế
14

Nguyễn Văn Hiếu
Võ bị Đà Lạt K3

Đại tá
(1965)
Chuẩn tướng
(11/1967)
Thiếu tướng
1970)

8/1969-6/1971
Ngày 8/4/1975 tử nạn vì bị cướp cò súng lục ở cấp Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân đoàn III. Được truy thăng Trung tướng
15

Lê Văn Hưng
Sĩ quan Thủ Đức K5

Đại tá
(1968)
Chuẩn tướng
(9/1972)

6/1971-9/1972
Tự sát ngày 30/4/1975 ở cấp Chuẩn tướng
16

Trần Quốc Lịch
Sĩ quan Thủ Đức K4

Đại tá
(1970)
Chuẩn tướng
(11/1972)

9/1972-11-1973
Năm 1974, liên quan đến vụ buôn lậu trong quân đội, bị tạm giam và giải ngũ
17

Lê Nguyên Vỹ

Đại tá
(1970)
(11/1974)

11/1973-30/4/1975
———————–
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Anh Hùng Sư Đoàn 5
Trong Hồi Ký của: Phạm G. Đại

(Lời Tác Giả: Nhân dịp kỷ niệm 36 năm mất miền Nam vào tay Cộng Sản, “Anh hùng Sư Đoàn 5” là một bút ký nêu lên tinh thần anh dũng, hào hùng, can trường, bất khuất, hy sinh vô bờ bến của người chiến sỹ Quốc Gia và của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong hai thập niên 1954-1975. Tác phẩm này cũng như một nén hương kính dâng lên tất cả những anh hùng tử sĩ quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa.)

Năm một chín sáu ba là một năm xáo trộn về chính trị, tại Mỹ thì Tổng Thống John. F. Kennedy bị ám sát, tại miền Nam phong trào chống lại chế độ “gia đình trị” của Tổng Thống Ngô Đình Diệm lên đến cao điểm đưa đến sự thảm sát hai ông Diệm và Nhu. Nguồn dư luận lúc đó cho rằng người Mỹ muốn đem quân vào Miền Nam nhưng hai ông Diệm Nhu đã không tán đồng nên đã bị dẹp qua một bên giống như họ dẹp TT Kennedy bên kia trời Âu vậy. Có một điều mà chúng ta phải thừa nhận rằng dưới chế độ của TT Ngô Đình Diệm, dù là mới phôi thai, nhưng từ năm 1954 người Quốc Gia đã tập trung lại được trong miền Nam để thành lập một tiền đồn chống Cộng vững vàng cho vùng Đông Nam Châu Á. Chính vì cái vị thế chiến lược đó của miền Nam mà người Mỹ đã nhẩy vào giúp chúng ta xây dựng cái tiền đồn chống Cộng này.

Từ đó lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu tung bay ngạo nghễ khắp miền Nam và trên thế giới.

Miền Nam, đất lành chim đậu, với thiên thời địa lợi và nhân hòa, đã là nơi khai sinh ra vùng trời Tự Do cho người Việt Quốc Gia, sau khi Hiệp Định Genève chia đôi hai miền Nam Bắc qua con sông Bến Hải. Những bài hát những câu hò ca ngợi Tự Do và tình yêu quê hương thủa đó như “Nắng Đẹp Miền Nam”, “Trăng Thanh Bình”, “Giã Gạo Đêm Trăng”, “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, “Nhà Bè nước chẩy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về”, “Ai vô Nam, ngớ ngẩn vì muôn câu hò…”, đã nói lên niềm khát vọng cho hòa bình và xây dựng đất nước của người dân Việt sau bao nhiêu năm dài chinh chiến.

Nhưng không ai ngờ rằng một cuộc chiến thảm khốc nhất đang được khối Cộng sản Nga – Tầu giao cho Cộng Sản Việt Nam vụt đổ ập xuống quê hương miền Nam.

Những tin tức hàng ngày về Việt Cộng (VC) và quân Bắc Việt (BV) đốt làng phá xóm, giật cầu đắp mìn trên lộ, giết hại dân lành làm cho người dân bắt đầu cảm nhận được cường độ của chiến tranh đang gia tăng nhất là tại vùng nông thôn.

Lúc đó cả ba anh trai của tôi đều đang trong quân trường, anh cả khóa 20 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, anh hai trong Quân Y, anh ba đang thụ huấn khóa 13 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Tôi thì đang theo học Tú Tài I trường trung học Chu Văn An, Sàigòn.

Cô ruột tôi, nhà chỉ cách nhà mẹ tôi một con hẻm trên đường Trương Minh Giảng, còn đông con hơn nữa với bẩy cậu em họ của tôi đều lần lượt giã từ bút nghiên để theo nghiệp đao cung khi quốc gia nguy biến. Chỉ trừ cậu út là được miễn thi hành nghĩa vụ quân dịch.

Khi còn nhỏ tại đường Cầu Đất, Hải Phòng, anh Quang lớn của tôi đã tỏ ra có năng khiếu về quân sự. Khi ông Nội đúc cho những người lính bồng súng và xe jeep bằng chì thì anh đã bầy chúng ra làm quân hai bên đánh nhau. Anh cũng rất say mê vẽ hình các vị anh hùng dân tộc như vua Quang Trung Nguyễn Huệ, anh hùng áo vải Lê Lợi, tướng Yết Kiêu, Lý Thường Kiệt. Có lẽ đó cũng là điềm báo trước anh sẽ theo binh nghiệp sau này.

Hai năm huấn luyện tại quân trường, anh cả tôi ra trường Võ Bị Đà Lạt với cấp bậc Thiếu Úy hiện dịch, được thuyên chuyển về Sư Đoàn 5 Bộ Binh (BB) đóng tại Lai Khê, Bình Dương. Chưa đầy hai năm sau anh được thăng Trung Úy và với những chiến tích nổi bật, anh được đề cử làm đại đội trưởng đại đội trinh sát của trung đoàn 9.
Anh bắt đầu áp dụng các lý thuyết học trong quân trường với kinh nghiệm thực tế để rèn luyện những sĩ quan binh sĩ của đại đội trở thành những chiến sĩ gan dạ am hiểu trận địa, và đại đội đã thắng trận liên tục đem về vinh dự cho cả Sư Đoàn.

Trong trận Ấp Ba, một tiểu đoàn của trung đoàn 9, Sư đoàn 5 BB trong khi xung phong vào Ấp đã bị thiệt hại, và phải rút lui ra để tải thương binh về hậu cứ vì lợi thế nghiêng về phía địch.

Bộ tham mưu trung đoàn bèn quyết định đưa đứa con cưng của mình vào trận và đại đội trinh sát được trực thăng vận đến ngay cánh đồng lúa trước mặt một khu đồng trống dẫn vào Ấp.
Tuy ở cấp đại đội nhưng đại đội trinh sát của trung đoàn được trang bị hỏa lực mạnh nhất cùng với vũ khí tối tân nhất bấy giờ với quân số luôn đầy đủ, và có ưu điểm là cơ động rất nhanh tạo sự bất ngờ cho địch quân nhiều lúc trở tay không kịp.
Khi anh vừa đáp xuống trực thăng thì anh đã thấy ngay lý do tại sao địch với cấp số chưa tới đại đội mà đã đẩy lui được cả một tiểu đoàn. Đó chính là địch đã dựa lưng vào mật khu Dương Minh Châu phía sau và chỉ có một con đường duy nhất dẫn vào Ấp qua khu đồng trống đó.

Nhìn thấy ven lộ có một cái miếu, anh bảo binh sĩ dưới quyền trong tư thế sẵn sàng chờ anh một lát, rồi lấy ra từ trong ba lô ba nén nhang, anh vào trong miếu thắp lên và cầu nguyện Thổ Thần Thổ Địa che chở cho những người lính Quốc Gia đang tiễu trừ Cộng phỉ. Khi bước ra khỏi miếu, anh ra lệnh cho các trung đội dàn đội hình và ra lệnh xung phong. Anh và các sĩ quan đều chạy trên tuyến đầu và nã súng vào những nơi nghi ngờ Cộng quân đang cố thủ.

Từ trong Ấp, đạn bắn ra như mưa, khoảng cách chỉ hai trăm thước vào Ấp mà dài như cả cây số. Thế rồi đạn từ trong Ấp đột nhiên yếu dần đi và khi đại đội vào hẳn được trong Ấp thì thấy nồi niêu soong chảo của địch còn nguyên với nồi cơm còn bốc khói chưa kịp ăn. Lúc bấy giờ anh mới được binh lính trình báo là đại đội đã vượt qua một bãi mìn VC gài nhưng không có một trái nào nổ cả. Có lẽ đó là lý do mà quân địch quá khiếp vía cho là đoàn quân này có lẽ từ trên Trời xuống chắc mà phải đánh bàì “chém vè” bỏ cả bữa cơm chiều vừa nấu chín. Tiểu đoàn vừa qua cũng vì bãi mìn này mà phải rút lui và nhường trận địa lại cho đại đội trinh sát.

Tổng kết lại phía đại đội chỉ có năm binh lính bị thương và đã được trực thăng đến bốc ngay về hậu cứ và không có một tử vong nào. Những viên đạn của địch cũng đan chéo qua mũ sắt và áo trận của anh nhưng không một viên nào trúng người.

Từ đó anh còn nổi tiếng là một cấp chỉ huy “không sát quân” và binh lính dưới quyền lại càng thêm tin tưởng vào cấp chỉ huy của mình, đại đội lại càng lập nên nhiều chiến công hiển hách hơn nữa.

Có một lần đại đội được bốc và thẩy vào mật khu của địch để phá hủy căn cứ của một tiểu đoàn địch. Khi vừa chạm chân xuống đất thì đại đội anh lọt vào ổ phục kích của địch. Đạn của địch bắn như mưa rào vào các chiến sĩ trinh sát. Anh có linh tính như là mình đang trong tình thế cực kỳ lâm nguy vì tin tình báo đã không chính xác và đại đội của anh đã bị phục kích bởi không phải một tiểu đoàn mà có lẽ quân số và hỏa lực của địch phải là cấp trung đoàn.

Địch đã được lệnh từ Trung Ương để xoá sổ đại đội trinh sát ưu tú của trung đoàn 9 này bởi vì tuy ở cấp đại đội nhưng với một chiến thuật hành quân chớp nhoáng đã gây cho địch quân những tổn thất nặng nề và là cái gai mà chúng cần phải nhổ.

Dù đang trong vạn phần hiểm nguy nhưng anh vẫn bình tĩnh chỉ huy các trung đội liên lạc với nhau và tìm đường rút ra ngay khỏi mật khu. Những khẩu đại liên, trung liên, súng cối và tiểu liên của địch thi nhau nã vào những người chiến sĩ trinh sát đang thất thế nằm ép dưới các gốc cây. Anh ra lệnh cho các trung đội liều chết đột phá vòng vây và cho truyền tin thông báo ngay về sư đoàn xin không quân và pháo binh yểm trợ.

Lúc đó mới thấy sự gan dạ, dũng cảm và thiện chiến của người lính trinh sát. Họ vừa chạy băng băng ra khỏi khu rừng vừa bắn trả lại địch quân bất kể sống chết trong khi pháo binh bắt đầu rót vào ngay sau lưng họ, và súng đủ loại của địch thì đang nổ rát ngay bên tai.

Vừa ra thoát khỏi vòng vây của địch, anh bèn kiểm lại quân số thì rất mừng trong bụng vì chỉ có bốn tử vong và khoảng một chục thương tích khá nặng nhưng đồng đội đã di tản ra được vùng an toàn. Thật như là một phép lạ vì anh ước tính là tổn thất có thể hơn nửa đại đội sẽ phải nằm lại vĩnh viễn trong khu rừng đó. Riêng anh thì áo trận rách nhiều chỗ vì cây rừng và lỗ chỗ vết đạn nhưng anh và cả bốn Thiếu Úy trung đội trưởng đều bình an.

Trong số bốn tử vong có một hạ sỹ cận vệ của anh và một người lính gốc Hoa tên là Tý mà anh rất thương.

Khi về Sàigòn nghỉ phép ngắn hạn và áo còn vương bụi đường, anh đã cùng hai cận vệ đến tận nhà từng người lính đã hy sinh trong trận phục kích để thăm viếng gia đình và ủy lạo.

Gần căn cứ Lai Khê có một ngôi đền nên anh đã thu xếp để cùng với các sĩ quan đại đội đến cúng cho những người lính anh hùng vừa nằm xuống.

Một hôm một chuyện thật lạ lùng xẩy ra khi anh đang trong doanh trại của đại đội. Bất ngờ có hai lính gác cổng dẫn vào một lính trinh sát có vẻ như say rượu, anh nhìn ra thì đó là binh nhất tên Sơn. Khi nhìn thấy anh thì Sơn phân bua:

– ”Em nói là cho em vào gập Trung Úy nhưng tụi gác cổng này không cho vào lại còn nói là còn nói là em say rượu vào gập Trung Úy sẽ bị cho mấy củ bây giờ. Em có bảo cho tụi nó biết là em không phải Sơn mà là thằng Tý.”

– ”Mày ẩu vậy hả, ổng bây giờ là đại úy sao mày cứ kêu Trung Úy?”

Lấy làm lạ, anh bèn ra lệnh cho mấy người lính buông Sơn ra để xem hắn nói chuyện gì.

Anh và các lính gác cổng và cả mấy sĩ quan trinh sát đang ngồi trong văn phòng với anh đều hết sức ngạc nhiên khi biết là Tý người lính đã hy sinh trong trận phục kích đang nhập vào Sơn là tên bạn thân của hắn để về thăm vị chỉ huy của mình:

– ”Trung Úy biết không, em vì vắn số nên ra đi hôm đó. Em rất cám ơn Trung Úy đã đến nhà báo tin cho gia đình em ở Chợ Lớn. Em tên thật không phải là Tý cho nên các thứ đồ ăn trái cây mà Trung Úy đem ra ngôi đền cúng cho em thì không phải tên em nên em không nhận được và mấy ông trong đền ăn hết. Hôm nay, em xin được một chút thời gian để đến đây cám ơn Trung Úy. Thôi! Em phải đi đây, cái ông Thần giữ cửa đang thúc em đi đây. Trung Úy nói mấy người này giữ dùm cho em đi nhe.”
Anh vốn theo đạo Phật, vào thuyết luân hồi nên anh tin là hồn của binh nhất Tý đã nhập vào Sơn để vào đây. Anh bèn ra lệnh cho mấy lính gác mạnh khoẻ ghì chặt lấy Sơn. Chỉ thấy thoáng một cái, mấy người lính như bị một sức mạnh nào làm cho bật tung ra mấy phía, còn anh chàng Sơn thì như người vừa ngủ dậy và đang ngơ ngác và sợ hãi không biết mình tội gì mà bị điệu lên văn phòng của đại đội trưởng.
Sau Tết Mậu Thân, anh được đặc cách lên nắm tiểu đoàn và tạm biệt những người lính thân thương của trinh sát.Trực thăng vận

Năm 1970, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH) chính thức mở đợt tấn công qua Căm Bốt để phá hủy các căn cứ hậu cần của VC và BV. Các căn cứ này nhận được các vũ khí đạn dược, xăng dầu, do đường tiếp tế của chúng từ ngoài Bắc chạy qua bên Lào dọc theo đường mòn Trường Sơn kéo dài xuống tới Miên để xâm nhập vào miền Nam.

Người Sàigòn bắt đầu làm quen với những địa danh Kratie, Kompong Cham trên báo chí hàng ngày nhưng vẫn không đo lường được một cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra trên xứ Chùa Tháp.

Sư Đoàn 5 bộ binh trong đó có tiểu đoàn do Đại Úy Quang làm tiểu đoàn trưởng cùng với các binh chủng ưu tú, và các sư đoàn bạn hùng dũng tiến vào Campuchia – nơi mà Cộng Sản đã lợi dụng sự trung lập của đất nước này làm căn cứ địa để tấn công vào mạng sườn phía Tây của miền Nam.
Đây là một chiến dịch vĩ đại nhất để tận diệt VC, và quân BV ngay trong hang ổ của chúng bên Campuchia. Sư đoàn 5 Bộ Binh đã chiến đấu một cách oai hùng, và tiểu đoàn do Đại Úy Quang chỉ huy đã hành quân liên miên không ngừng nghỉ hàng tháng trời cho đến kiệt sức. Có những người lính đã không còn cầm nổi cây súng và tiểu đoàn trưởng nhiều lúc đã phải xách súng dùm cho binh lính của mình.
Phần thưởng xứng đáng nhất chính là thành quả rực rỡ của chiến dịch với các khu hậu cần của địch bị phá hủy và san bằng; và ý định của địch nhằm tấn công vào các tỉnh miền Nam đã bị đổ vỡ. Địch đã phải đợi đến hai năm sau thì chúng mới mở được trận tấn công vào một quận lỵ nhỏ bé là An Lộc, tỉnh Bình Long.

Sau chiến thắng vang dội tại Campuchia, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nhiệt liệt khen ngợi tất cả những đơn vị đã tham gia vào chiến dịch tại Campuchia.
Tổng Thống ban khen, trao tặng huy chương, và phần thưởng đặc biệt là một tuần nghỉ phép tại Đài Loan cho các sĩ quan và binh sĩ ưu tú của chiến dịch.

Đại úy Quang có tên trong những sĩ quan đó nhưng anh đã đề nghị lên cấp trên dành vinh dự đó cho một binh lính trong tiểu đoàn đã lập được nhiều công trận nhất trước sự ngạc nhiên và thán phục của cả tiểu đoàn.
Nhưng sự thử lửa được xem như một cuộc đại chiến thư hùng giữa ba sư đoàn BV và Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Biệt Động Quân, và Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã diễn ra ngay tại An Lộc hai năm sau đó, một lần nữa đã đem lại vinh quang sáng chói cho QLVNCH nói chung và Sư đoàn 5 BB trong đó có tiểu đoàn của Đại úy Quang nói riêng.

Thế giới thường nhắc đến trận Điện Biên Phủ với 55 ngày quân Pháp bị Việt Minh bao vây và cuối cùng là sự đầu hàng của Pháp đưa đến việc đất nước bị chia cắt ra làm hai. Nhưng với An Lộc thì cường độ cuộc chiến còn ác liệt gấp nhiều lần hơn trận Điện Biên.

Địch quân đã “hạ quyết tâm” san bằng An Lộc bằng mọi giá rồi tiến chiếm tỉnh Bình Long trên đường thẳng tấn công vào Sàigòn.

Chính vì thế mà trong gần 100 ngày – tức là gấp đôi thời gian của trận Điện Biên – bao vây An Lộc, mỗi ngày địch quân pháo liên miên hàng ngàn quả vào các đơn vị tử thủ của QLVNCH trong thị trấn An Lộc, một thị trấn nhỏ bé với chu vi mỗi chiều khoảng một cây số.
Chúng vẫn áp dụng chiến thuật cổ điển là “tiền pháo hậu xung” nhưng những đợt tấn công của chúng đều bị bẻ gẫy. Chúng bị thiệt hại nặng và tinh thần binh lính của BV đã bắt đầu giao động trước sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng tử thủ.
Để thực hiện cho được chỉ thị san bằng An Lộc và dâng chiến công lên cho quan thầy Nga-Tầu, các binh lính BV buộc phải cố thủ trên các cây chung quanh thị trấn và chân của họ đều bị xích vào thân cây để không chạy trốn được; các pháo thủ thì bị xích vào trong xe tăng; và bất kỳ bộ đội BV nào mà tháo chạy thì sẽ bị chính cấp trên của họ “xử lý” ngay tại chỗ.

Những đợt pháo ngày đêm nã vào thị trấn ròng rã ba tháng trời đã hầu như san bằng thị trấn và không còn một căn nhà nào cũng như không còn một ngọn cây nào đứng vững nổi. Những người sống sót thẩy đều nằm sâu hay núp dưới giao thông hào hay hầm trú ẩn.

Những giây phút nào mà địch quân im tiếng súng và ngưng pháo kích thì mọi người đều cảm thấy một sự im lặng kỳ lạ khó tả.

Đại úy Quang, một cố vấn Mỹ, 15 người lính Sư đoàn 5, và một con chó trú ẩn trong một cái hầm kích thước không hơn 9 mét vuông. Sau này khi thoát chết trở về, anh nghĩ rằng anh rất may mắn có lẽ nhờ vào sự linh thiêng của pho tượng Phật ngọc thạch mà anh đã bỏ vào ba lô khi dân chúng trong vùng chạy trốn đạn pháo kích bỏ rơi trên đường.

Âm mưu xoá sổ An Lộc của địch quân đã thảm bại, chúng đã chuốc lấy thất bại cay đắng khi các lực lượng tiếp viện của QLVNCH từ ngoài đánh chọc thủng vòng vây và lực lượng tử thủ từ trong đánh chúng bật ra.

Tướng chỉ huy trận tử thủ An Lộc là Lê Văn Hưng và QLVNCH đã chiến thắng vẻ vang. Một cô giáo đã viết ra hai câu thơ bất hủ:

“An Lộc địa sử lưu chiến tích,
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”

Trong suốt ba tháng anh tôi tử thủ tại An Lộc, đêm nào mẹ tôi cũng ra ban công khấn vái hay đi lễ các Đền, Chùa cho anh tôi và các binh sĩ tử thủ được bình an.

Khi anh về đến Saìgòn người đầu tiên anh ôm chầm lấy là mẹ: “Mẹ ơi! con đã trở về bình an”.

Vì anh là con trưởng nên sau trận An Lộc mẹ tôi khuyên anh phải lập gia đình dù cuộc đời tác chiến nay đây mai đó còn nhiều gian nguy.

Anh vâng lời mẹ kết hôn với một người con gái miệt vườn Lái Thiêu, người mà sau chuyến lên căn cứ Lai Khê tham dự buổi khao quân của đại đội trinh sát đã đem lòng thương yêu người sĩ quan trẻ tuổi khóa 20 Võ Bị Đà Lạt ấy.

Sau chiến thắng An Lộc, anh được vinh thăng Thiếu tá, anh vẫn tiếp tục nắm tiểu đoàn và lập nhiều chiến công hiển hách khác cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

Đến ngày 30 tháng Tư năm 1975 khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, lúc ấy anh mới tập trung tiểu đoàn lại và nói những người lính đã cùng anh vào sinh ra tử hãy về quê để săn sóc gia đình.

Anh bị bắt sau đó và bị đưa đi tập trung “cải tạo” hơn tám năm. Khi ra khỏi trại giam, anh về quê sống với vợ con được ba năm thì ra đi một cách đột ngột vì bệnh tai biến mạch máu não trong lúc đang ôm thằng con út trong giấc ngủ trưa trong vườn Lái Thiêu. Một giấc ngủ bình yên của một người trai đã hoàn thành xong nhiệm vụ của mình khi đất nước miền Nam đang trong thời binh lửa.

Ba năm sau khi anh mất, vợ con anh đã được qua Mỹ định cư. Hiện nay người vợ sinh sống tại New Hampshire, con gái lớn của anh là Thoa, một Đại Úy Không Quân Hoa Kỳ đang theo học Doctor of Pharmacy tại Florida. Cháu gái thứ hai là Thảo, tốt nghiệp bằng Master đang làm việc tại San Francisco, cháu út là Thắng tốt nghiệp Mechanical engineer làm việc tại New York.

Anh là một người con hiếu thảo, một người anh đạo đức, một người cha gương mẫu, và là một thanh niên tha thiết yêu quê hương đất nước mình. Anh đã nghe theo tiếng gọi của núi sông, cùng với các chàng trai khác trong miền Nam, anh dũng đứng lên chống lại cuộc xâm lăng tàn bạo của Cộng nô từ Bắc xâm nhập vào miền Nam.
Dù là miền Nam đã không may mất vào tay Cộng Sản ngày 30-4-1975, dù lịch sử đã sang trang, nhưng những chiến công oai hùng của anh, của Sư Đoàn 5 BB, của các đơn vị tinh nhuệ của các binh chủng trong QLVNCH, và của tất cả các dân quân cán chính chế độ VNCH sẽ không bao giờ phai mờ trong lịch sử dân tộc.

Viết xong tại nam California nhân ngày giỗ anh Phạm Gia Quang, Khoá 20 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt