L.Đ.81 Biệt Cách Dù

222px-81st_Airborne_Commando_Battalion's_Insignia

Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy dù (tiếng Anh: 81st Airborne Commando Battalion, 81st ACB) – thường được gọi tắt là Biệt cách dù (BCND / BCD) – là một trong bốn lực lượng Tổng trừ bị trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa (gồm Biệt động quân, Thủy quân Lục chiến và Sư đoàn Nhảy dù. Đây cũng là lực lượng cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí trong sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.
Hiệu ca: Biệt Cách Dù 81 hành khúc.
Đặc trưng: Mũ Beret xanh lục và phù hiệu Cọp Bay.
Lược sử
Hình thành
Giữa năm 1961, chính phủ Mỹ cho phép mở rộng chương trình bí mật chống lại những nỗ lực chiến tranh của những người Cộng sản Việt Nam trong vùng Đông Nam Á. Tại Nam Việt Nam, Liên đoàn Quan sát số 1 thuộc Sở Liên lạc, Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa được thành lập. Bên cạnh các hoạt động nhảy Bắc làm nhiệm vụ tình báo, biệt kích chống các hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên đoàn quan sát số 1 còn tổ chức các toán biệt kích giả thường dân xâm nhập vào phía nam Lào, tìm kiếm và tấn công các tuyến đường giao liên do phía Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức.
Để áp dụng chương trình bên Lào, Ban Nghiên cứu Hỗn hợp (Combined Studies Division – CSD) được thành lập, đặc trách về chương trình phòng vệ dân sự (Civil Defense), hoạt động dưới quyền chỉ đạo của phân bộ CIA tại Sài Gòn, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Gilbert Layton (phía Mỹ) và Thiếu tá Trần Khắc Kính (phía Việt Nam Cộng hòa). Một chương trình hoạt động có mật danh là Lei Yu, sau đổi thành Typhoone (tiếng Anh) hoặc Lôi Vũ (tiếng Việt), được xây dựng. Có cả thảy 15 toán biệt kích, mỗi toán 14 người, rút từ các toán biệt kích có sẵn trong Liên đoàn Quan sát số 1, được tổ chức, được đánh số từ 1 đến 15 tập họp trong trại Typhoon-Lôi Vũ (gần trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức), chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ[1].
Bên cạnh đó, CSD cũng tổ chức một lực lượng xung kích, nhằm cơ động tấn công các mục tiêu do các toán biệt kích chỉ điểm, hỗ trợ, ứng cứu cho các toán biệt kích khi bị đối phương uy hiếp nghiêm trọng. Theo đó phía Việt Nam Cộng hòa, tuyển mộ các quân nhân người Thái trong Sư đoàn 22 Bộ binh đưa về Thủ Đức để huấn luyện nhảy dù, biệt kích, thành lập Đại đội 1 Biệt kích dù, do Đại úy Lương Văn Hơi làm chỉ huy. Liên tiếp sau đó, Đại đội 2 Biệt kích dù cũng được thành lập, gồm các quân nhân người Nùng tuyển mộ trong Sư đoàn 5 Bộ binh, do Trung úy Voòng Chay Mênh làm chỉ huy[1]. Đây chính là những đơn vị đầu tiên của lực lượng Biệt cách dù.
Sau khi được huấn luyện và tổ chức, hai đại đội Biệt kích dù được không vận lên Kontum, sau đó di chuyển bằng xe đến một tiền đồn gần làng Ben Het. Sau đó, hai toán Biệt cách dù được giao nhiệm vụ đi toán các toán biệt kích Lôi Vũ (gồm các toán 1, 2, 3, 6, 7, 8) về căn cứ Ben Het an toàn.[1] Đây được xem là cuộc hành quân đầu tiên của lực lượng Biệt cách dù.
Được xem là thành công, thêm 2 đại đội Biệt kích dù được thành lập. Đại đội 3 hình thành từ các quân nhân được tuyển mộ gốc từ Lữ đoàn Dù và Đại đội 4 hình thành từ các quân tình nguyên mà đa số là người Công giáo qua sự giới thiệu của linh mục Mai Ngọc Khuê.[1]
Đầu năm 1963, Sở Liên lạc (bấy giờ mang tên Sở Khai thác Địa hình) được đổi tên thành Lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng hòa, do Đại tá Lê Quang Tung làm Chỉ huy trưởng. Bênh cạnh các toán biệt kích nhảy Bắc, các toán thám báo đường mòn và căn cứ đối phương, các đơn vị chiến đấu của Lực lượng Đặc biệt gồm 2 Liên đoàn biệt kích 77 và 31, 5 Đại đội Biệt kích dù.
Tiểu đoàn Biệt cách Dù và Trung tâm Hành quân Delta
Sau đảo chính 1963, Lực lượng đặc biệt nhiều lần tổ chức lại. Phòng 45 đặc trách các toàn biệt kích nhảy Bắc được tách ra. Giữa năm 1965, các liên đoàn được giải tán, cơ cấu chỉ huy Lực lượng đặc biệt được tổ chức theo cơ cấu tương tự như của Biệt kích Hoa Kỳ để dễ phối hợp hoạt động, chỉ huy các toán biệt kích hoạt động trong nội địa (khác với các toán biệt kích Lôi Hổ hoạt động ngoại biên) trên cả 4 vùng chiến thuật. Riêng các đại đội Biệt kích dù biệt lập được kết hợp thành Tiểu đoàn 91 Biệt cách dù, vẫn chịu sự chỉ huy của Lực lượng đặc biệt, vẫn giữ vai trò xung kích, ứng cứu cho các toán biệt kích nội địa.
Bên cạnh đó, vai trò chỉ hoạt động biệt kích của Hoa Kỳ và đồng minh tại Đông Nam Á có thay đổi do bàn giao giữa CIA và MACV. Để phối hợp các hoạt động biệt kích trên vùng lãnh thổ Nam Việt Nam, tháng 6 năm 1965, MACVSOG, cơ quan đặc trách của MACV về hoạt động đặc biệt, đã tổ chức Trung tâm Hành quân Delta, mật danh B52, chịu trách nhiệm phối hợp với Lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng hòa chỉ huy các hoạt động thám báo và phá hoại. Theo đó, các toán biệt kích Delta hỗn hợp Việt-Mỹ, do các quân nhân Mỹ làm trưởng toán, ăn mặc và trang bị giống Quân Giải phóng miền Nam, sẽ thâm nhập đường mòn Hồ Chí Minh và các vùng căn cứ do đối phương kiểm soát trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa để xác định vị trí đóng quân của đối phương, thu thập tin tức tình báo chiến lược, giám sát kết quả oanh kích của Không quân Mỹ, tập kích, phá hoại các sơ sở hậu cần của Quân Giải phóng miền Nam.[2]. Tiểu đoàn 91 Biệt cách dù là đơn vị phối hợp làm lực lượng xung kích ứng cứu cho Trung tâm Hành quân Delta. Năm 1968, Tiểu đoàn 91 được đổi tên thành Tiểu đoàn 81 Biệt cách dù.
Liên đoàn Biệt cách dù
Tháng 6 năn 1970, MACV chấm dứt hoạt động của Trung tâm Hành quân Delta và rút các quân nhân Mỹ về nước. Tháng 8 năm 1970, Lực lượng đặc biệt cũng bị giải tán vì đã hết nhiệm vụ nhảy Bắc, nhảy Lào và đổ bộ biển. Các quân nhân LLĐB đều được phân tán về các binh chủng khác trong Quân đội. Nhiều nhất là chuyển qua Biệt động quân và Nha kỹ thuật. Riêng bộ phận chỉ huy phía Việt Nam Cộng hòa của Trung tâm Hành quân Delta và Tiểu đoàn 81 Biệt cách dù được tổ chức lại, sáp nhập thành Liên đoàn 81 Biệt cách dù, được đặt thành một lực lượng Tổng trừ bị của Bộ Tổng Tham mưu. Liên đoàn được hưởng các huy chương của Lực lượng đặc biệt, được phép đội mũ xanh và mang phù hiệu Lực lượng đặc biệt và được mang dây Biểu chương màu đỏ Bảo quốc Huân chương.
Khi mới thành lập, quân số của Liên đoàn chỉ khoảng 900 người. Về sau, Liên đoàn được mở rộng cấp số, tổ chức gồm: 1 Bộ chỉ huy Liên đoàn, 1 Đại đội Chỉ huy Yểm trợ và 3 ba Bộ chỉ huy chiến thuật. Mỗi Bộ chỉ huy có 4 Biệt đội, mỗi Biệt đội có 200 quân nhân. Tổng quân số lên đến 3.000 binh sĩ.
Phù hiệu Cọp Bay
Những trận đánh lớn
Mặc dù được huấn luyện cho những công tác thật đặc biệt, tuy nhiên khi tình hình nguy ngập như trong Mùa Hè Đỏ lửa 1972, Phước Long 1974, Bộ Tổng tham mưu đã sử dụng Liên đoàn 81 BCD như là một lực lượng tăng viện, tiếp cứu và thanh toán chiến trường.
Trận An Lộc 1972: Một trận đánh ác liệt trong Chiến tranh Việt Nam. Liên đoàn 81 BCND đã quần thảo với đặc công, bộ binh và xe tăng QĐNDVN nên thiệt hại cũng rất nhiều. Họ phải lập một nghĩa trang trong thị xã An Lộc để chôn tử sĩ. Nói về Liên đoàn 81 trong trận chiến An Lộc có 2 câu thơ nổi tiếng: “An Lộc địa, sử ghi chiến tích. Biệt Cách Dù, vị quốc vong thân.”
Chiến dịch Xuân Hè 1972
Trận Phước Long 1974
Thất bại ở miền Bắc Việt Nam
Đầu năm 1961, Tổng thống Kennedy ký lệnh triển khai “chiến dịch chiến tranh bí mật phá hoại miền Bắc Việt Nam”, với mục đích “đánh vào nguồn gốc xâm lược” từ Bắc Việt Nam. Chiến dịch này nằm dưới sự chỉ đạo của CIA, sau được Lầu Năm Góc tiếp quản năm 1964, đã đề ra các biện pháp chủ yếu là sử dụng lực lượng đặc biệt của Việt Nam Cộng hòa (gián điệp biệt kích) còn gọi là “Liên đội quan sát số 1” thuộc Sở liên lạc Tổng thống phủ (cơ quan tình báo trung ương VNCH), gồm phần đông là lính Việt Nam Cộng hòa gốc từ miền Bắc di cư do CIA và lực lượng đặc biệt Mỹ trực tiếp chỉ đạo, huấn luyện, trang bị để đột nhập vào phá hoại miền Bắc. Hình thức chủ yếu là sử dụng các tiểu đội biệt kích dù.
Đến năm 1968 thì các chiến dịch đều đã thất bại nặng nề khi gần 500 lính biệt kích bị giết, bị bắt hoặc trỏ thành điệp viên hai mang Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara và cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Việt Nam, tướng William C. Westmoreland, đã bị chỉ trích nặng nề vì chiến dịch trên. Chương trình đã được đặc tả trong cuốn sách của Sedgwick Tourison nhan đề “Secret Army, Secret War: Washington’s Tragic Spy Operation in North Vietnam” (Naval Institute Special Warfare) viết tháng 9 năm 1995. Sự thât bại của chiến dịch này thảm hại đến nỗi nếu chỉ riêng ngành công an Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với 19 chuyên án đã câu nhử, bắt sống và tiêu diệt được 121 lính biệt kích.