Tr.Pháo Binh VNCH

Flag_of_ARVN's_Artillery_Forces.svg

TRƯỜNG PHÁO BINH, NHỮNG NGÀY ĐẦU…

Một buổi sáng tháng ba 1955, tôi đang ở đài trung ương tác xạ thì có công điện từ Sài Gòn lệnh cho hai sĩ quan là Trung úy Nguyễn Xuân Cảo và tôi về trình diện Trung tâm Huấn Luyện Pháo binh Phú Lợi. Toàn bộ Tiểu đoàn 2 Pháo binh chúng tôi lúc ấy tham dự chiến dịch Ba Lòng, vị trí pháo cách hậu cứ ở Đông Hà khoảng 20 cây số về phía tây- tây-bắc. Các trung úy pháo đội trưởng đều đi tiền sát với các tiểu đoàn bộ binh, như thông lệ, nên ít bữa sau Trung úy Cảo mới về. Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Tiểu đoàn trưởng, đãi hai chúng tôi một bữa ăn chia tay giữa núi đồi, và tiễn chúng tôi ra tận xe. Lúc xe sắp lăn bánh, ông Thắng nói với tôi : “ Hay là cậu ở lại với tôi đi, bây giờ tiểu đoàn còn thiếu người, mà đang hành quân thế này, tôi sẽ gửi công điện về Sài Gòn ngay.” Trong bụng cũng hơi bực mình, tôi đành vác ba lô xưống xe. Biết tâm lý tôi lúc đó, ông Thắng ra lệnh cho tôi và toán thám sát lập tức đi tìm một vị trí khác và làm một hệ thống địa hình mới cho tiểu đoàn sẽ di chuyển đến vào ngày hôm sau, dù lúc đó đã quá trưa.

Sau cuộc hành quân chấm dứt, về lại Đông Hà, tôi lo mở lớp huấn luyện Chứng chỉ chuyên môn PB (CC1) cho các đơn vị PB ở Quân khu 2. Sắp đến ngày khai giảng khóa đầu tiên thì lại có công điện gọi tôi phải về Phú Lợi. Đại úy Thắng bảo tôi giao việc huấn luyện khóa CC1 cho Trung úy Thân Trọng Thắng mới về. Công việc đài TƯTX giao lại cho Thiếu úy Nguyễn Văn Hậu khóa 4 TĐ vừa đến.

Nói cho ngay, đang ở một chỗ quen rồi, từ những người chung quanh đến công việc hàng ngày, mọi sự đã thành nếp, đi đến một chỗ mới, chưa biết ra sao. Lúc này ông Thắng đang nghiên cứu binh thư, chú trọng nhiều về môn xạ thuật, căn cứ vào những tài liệu quân sự Pháp, và dịch một số lớn những chữ chuyên môn từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Ông đang thử vẽ một bảng tác xạ trên một miếng nhựa mica mỏng, hy vọng khi làm xong được thì sẽ khỏi phải tra cứu những quyển xạ biểu table de tir đầy rắc rối. Ông thỉnh thoảng nói với tôi “ mình phải Việt hóa tất cả những vấn đề này, bây giờ đến lúc ta phải làm càng sớm càng tốt.” Từ đó mấy năm sau khi tôi đã rời tiểu đoàn, mỗi khi viết xong bài nào, ông cũng gửi cho tôi một bản in ronéo, việc đó cũng giúp tôi khá nhiều trong việc soạn bài, khi đến lớp cũng tự tin hơn. Bây giờ ngồi viết, tôi phải cảm ơn ông Tiểu đoàn trưởng Thắng đã đóng góp một phần không nhỏ vào vai trò người huấn luyện của tôi.

x
x X

Trung tâm Huấn luyện Pháo Binh Đông Dương ( CIAI = Centre d’Instruction d’Artillerie de l’Indochine ) do quân đội Pháp thành lập ở Phú Lợi, ở phía đông thị xã Thủ Đầu Một. Tôi cũng đã có dịp đến đây học một khóa bổ túc sau khi ra trường ở Thủ Đức vào tháng 4.1953, và trở lại học khóa pháo đội trưởng vào cuối năm 1954. Lần này, khi tôi về lại đây, là lúc người Pháp trao lại quyền chỉ huy Trung tâm này cho người ViệtNam. Thiếu tá Bùi Hữu Nhơn là vị Chỉ huy trưởng đầu tiên của Trường Pháo Binh Quân đội Việt Nam . Vào tháng 4.1955, ở Trường, người Pháp chỉ còn đại úy Bigot và vài hạ sĩ quan, và thiếu tá W.(?) là người cố vấn Mỹ đầu tiên vừa đến. Đại úy Bigot đeo kính cận, cũng là huấn luyện viên chính cho khóa Pháo đội trưởng của chúng tôi năm trước, khôn ngoan và rất tinh ý, thấy tôi về ông bảo :”Tôi vẫn còn nhớ vụ anh tranh luận với trung úy X. (HLV người Pháp) về độ chính xác của mấy điểm chuẩn vùng đài quan sát ngoài sân bắn.”

Vị trí của trường ở một địa điểm rất thuận tiện, xa thành phố và xa những xóm dân cư lân cận, lại có một vùng rộng lớn để thực tập tác xạ bằng đại bác và súng cối cỡ lớn. Chung quanh doanh trại còn có nhiều vùng đất trống để đo đạc địa hình, và thực tập di chuyển những đơn vị cấp pháo đội và cấp tiểu đoàn. Một “pháo đội nhà trường” được tăng phái về Trường để các khóa sinh thực tập quan sát tác xạ ngoài sân bắn.

Tôi về trình diện Thiếu tá CHT, được chỉ định vào nhóm địa hình của Trung úy Nguyễn Hiền Điểm, và được giao việc viết bài dạy môn địa hình bằng tiếng Việt, và là huấn luyện viên môn này. Thật là một công việc rất mới mẻ, vì phải dịch ra từ sách tiếng Pháp, mà những từ chuyên môn tiếng Việt có được chưa đấy đủ hoặc chưa rõ ràng, nói chi đến chính xác. Nhưng thế nào thì cũng phải bắt đầu làm, vì lịch các khóa học đã được ấn định rồi, ngoài khóa căn bản dành cho sĩ quan, còn những khóa Bằng chuyên môn PB (B1 và B2) cho hạ sĩ quan nữa.

Nhiều vị sĩ quan khác đã về đây trước tôi, như Thiếu tá Lâm Quang Thi, Chỉ huy phó, đại úy Trần Văn Hào, Giám đốc Quân huấn, và những HLV khác như các Trung úy Nguyễn Thành Chí, Nguyễn Xuân Cảo, Huỳnh Hữu Lân, Trần Hùng Riệu, Phan Văn Mào, Nguyễn Văn Trước, Nguyễn Tiến Lộc, Đoàn Viết Liêu, Thân Trọng Sinh,…..Ngoài ra, còn có Trung úy Trương Đình Trường từ Liên trường Võ khoa Thủ Đức biệt phái phụ trách Hành chánh, và Trung úy Lý Trường Trân thuộc binh chủng Truyền Tin gửi qua làm HLV. Tình cờ tôi gặp lại một người quen cũ ở Hà Nội xưa cùng ở chung căn nhà số 6 phố Đặng Dung là Thiếu úy Hoàng Xuân Hy, làm trên văn phòng nhà trường. Lúc bắt đầu vào việc thì nhóm địa hình chúng tôi có thêm Thiếu úy Vũ Văn Tuy, anh là một trong sáu sĩ quan đỗ hạng cao khóa 5 Pháo binh Thủ Đức được thuyên chuyển về Trường, trong đó còn có các Thiếu úy Lê Châu Lộc, Huỳnh Vinh, Lý Thành Vịnh, Vĩnh Ninh, và Nguyễn Thanh Nhàn. Trung úy Trương Đình Trường chỉ ở trường có ba tháng thì được đổi về Liên đoàn Nhẩy dù.

Ít ngày sau, Thiếu tá Chỉ Huy Trưởng thăng cấp Trung tá, và một số nhiều trung úy thâm niên khác cũng thăng cấp đại úy. Đại úy Bigot và nhóm hạ sĩ quan Pháp về nước. Thiếu úy Vĩnh Ninh, người có khả năng Anh ngữ khá nhất, được chọn lên làm thông dịch viên mỗi khi thiếu tá W. đến thảo luận công việc với trung tá CHT, hoặc soạn thảo những văn thư bằng tiếng Anh. Chúng tôi cũng phải bắt đầu thực tập tiếng Anh với ông cố vấn mới này. Vốn liếng những năm trung học qua bộ sách L’Anglais vivant chỉ đủ để đọc những truyện ngắn và dễ, còn nói thì vẫn chẳng ra làm sao, có khi hiểu hoặc đoán được câu ông ta hỏi, thì còn phải vận dụng trí óc xem nói thế nào để ông ta hiểu được ý mình. Tôi phục nhất ông thiếu tá CHPhó, cứ tối đến về phòng riêng trong dẫy nhà sĩ quan độc thân chúng tôi, ông nghiên cứu cuốn L’Anglais Sans Peine, và đọc rất to mỗi chữ, mỗi câu vang cả nhà, sau này chúng tôi mới thấy đó là cách đúng nhất để có thể phát âm tốt hơn và giúp mình mạnh dạn và tự tin hơn khi nói chuyện với người Mỹ.

Tài liệu huấn luyện về tôpô (topographie=môn học về địa hình) của nhà trường sẵn có thì tương đối đủ, dĩ nhiên là sách Tây, còn binh thư tiếng Anh thì sau này mới có. Thành ra lúc ban đầu, nhóm địa hình khi soạn bài tiếng Việt phải căn cứ vào bản tiếng Pháp, ngoài những quyển tự điển Pháp-Việt đã có lúc bấy giờ để tra cứu, còn về những từ ngữ chuyên môn chưa có sách nào dịch cho thật sát nghĩa, mà chỉ có một tập in ronéo của Bộ(Ty)Công chánh (?) liệt kê một số chữ liên quan đến việc đo đạc đồng ruộng, đường xá. Dù sao thì tập đó cũng giúp chúng tôi rất nhiều trong lúc ban đầu Việt hóa những bài giảng. Các sĩ quan trách nhiệm giảng dậy các môn khác như khẩu đội vụ, tác xạ đại cương, dã chiến vụ, quân xa, truyền tin,…cũng gặp những khó khăn tương tự trong lúc chuẩn bị bài dạy, chúng tôi cứ góp ý với nhau, đặt ra những chữ, những tên mới, miễn là dễ hiểu, dễ nhớ. Cứ như thế, có khi phải dịch lại một chữ vài lần trước khi thấy tạm đủ nghĩa, đúng theo công việc làm. Mãi sau này, khi cuốn Danh từ Quân sự do Bộ Tổng Tham Mưu được phát hành, thì cũng là để hợp thức hóa việc chúng tôi đã làm từ trước, vì binh chủng nào thì góp phần của binh chủng của mình vào tập sách ấy.

Trong khi chờ đợi ngày khai giảng các khóa học, các sĩ quan HLV tương lai chúng tôi làm việc trên căn nhà Bộ chỉ huy nhà trường. Căn nhà này khá dài, nửa nhà phía ngoài là văn phòng CHT và ban văn thư, còn nửa nhà phía trong là chỗ chúng tôi soạn bài và hội họp trao đổi ý kiến. Cố vấn Mỹ cung cấp cho chúng tôi những tài liệu tiếng Anh, đó là một số binh thư của quân đội Mỹ loại FM (Field Manuel). Chúng tôi soạn ra những sách riêng về pháo binh. Chúng tôi chưa nhận được chỉ thị nào cho biết là sẽ phải dạy theo tài liệu cũ (của Pháp) hay theo tài liệu mới (của Mỹ), nhưng so sánh chung chung thì thấy hai cách cũng gần như nhau, vì quân đội Pháp trong Thế chiến 2 cũng xử dụng những đại bác 105 / 155 ly và súng phòng không 40 ly Bofors của Mỹ, cho nên cách điều khiển cũng gần như nhau. Vì vậy, chúng tôi thấy việc chuẩn bị bài vở dễ dàng hơn, mất thì giờ nhất vẫn là cố tìm được nghĩa cho là đúng nhất cho những chữ chuyên môn (đúng cho lúc ấy thôi). Phải nói thật là chúng tôi chưa hài lòng với công việc của mình, nhưng lúc đầu cũng phải chấp nhận những khuyết điểm, rồi ra có dịp sẽ thay thế lại.

……..x x x…….

Căn cứ Phú Lợi khá lớn, khi Trường Pháo Binh hình thành và người Pháp ra đi thì việc phòng thủ là một vấn đề quan trọng, mà nhóm huấn luyện viên chúng tôi không phải chia sẻ trách nhiệm canh gác nên ít để ý đến vấn đề này, có thể là vào thời điểm ấy không có những cuộc hành quân truy lùng Cộng sản hoặc không có hoạt động CS ở vùng này từ sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực. Ngoài những vọng gác cao, chung quanh trại có rất nhiều hàng rào kẽm gai chồng chất, nghe nói còn có nhiều bãi mìn đặt đã lâu rồi giữa những rào kẽm gai ấy nữa. Tình hình yên ổn lúc đó làm cho tôi chẳng phải lo lắng gì, khác hẳn khi còn ở đơn vị. Từ trại ra phố Thủ Đầu Một có thể đi xe ngựa hoặc theo xe của trường chở gia đình quân nhân đi chợ. Cuối tuần có xe Dodge 4×4 hoặc xe GMC chở những người đi phép về Sài Gòn, thả xuống đường Hai Bà Trưng (Paul Blanchy) gần Nhà Hát Tây, chiều chủ nhật đón về.

Từ ngoài đường cái vào, qua trạm gác, bên trái là hai căn nhà lầu, một căn là tư dinh vị Chỉ Huy Trưởng, vị Chỉ huy phó còn độc thân ở trong trại, nên căn thứ hai dành cho gia đình vị Giám đốc quân huấn. Đi vào một khoảng ngắn nữa, bên phải là khu Pháo đội nhà trường, tôi chỉ nhớ 2 sĩ quan của pháo đội này là trung úy Nguyễn Văn Ba và thiếu úy Vũ ( Nguyễn?) mạnh Cường.

Vào đến sân cờ của Trường, ngay góc trái là vị trí khẩu vingt-cinq pounder 88 ly, đây là đại bác của quân đội Anh tôi đã thấy ở đó từ mấy năm trước. Văn phòng nhà trường là một dãy nhà dài bên phải, mặt trước trông ra sân cờ. Cứ hôm nào có bắn đạn PB thật cho khóa sinh tập điều chỉnh ngoài sân bắn, thì sáng hôm đó khoảng 7 giờ, nhân viên khẩu đội của trường nạp một trái khói 88 ly và bắn ra giữa sân bắn,. để dân những làng chung quanh sân bắn thấy đạn khói nổ thì biết mà không ra ngoài đồng ngày hôm đó, hoặc cho đến khi thấy một quả đạn khói thứ hai báo hiệu chấm dứt tác xạ trong ngày. Kế bên khẩu 88ly, dọc theo hàng rào, là vị trí những khẩu 105 ly (có mái tole) để khóa sinh thực tập.

Phía bên phải sân cờ là câu lạc bộ và cũng là nhà ăn sĩ quan, phía sau là dãy nhà cố vấn Mỹ ở và làm việc. Ở câu lạc bộ này có một ông đầu bếp lớn tuổi, chắc làm việc ở đấy cũng nhiều năm, chuyên nấu các món ăn Tây, ông vẫn còn ở lại khi trường chuyển giao cho Quân đội VN, cho đến khi trường rời ra Citadelle Thành Pháo thủ ngoài thị xã Phú Cường vào tháng 9.1955. Tôi còn nhớ lần đầu ăn cơm câu lạc bộ này, mỗi carré (chỗ ngồi cho 4 người) trên bàn có bày một chai giống như chai rượu vang đỏ, tôi cứ nghĩ là rượu thật, nhưng khi rót ra uống lại là nước trà. Thì ra trước kia ăn cơm Tây thì có rượu thật, nay ăn cơm ta thì đổi thành nước trà.

Qua sân cờ là sân quần vợt, cách nhau hai lớp hàng rào kẽm gai thấp, cỏ mọc ở giữa gần như che kín bên trong. Nghe nói có mìn chôn trong hàng rào này, nhưng đàn dê của trường vẫn đuổi nhau chui qua lại hàng ngày. Vào những ngày cuối tuần, ít người đi phép, anh Lý Trường Trân thường xách vợt ra đấu với thiếu tá Thi hay đại úy Hào, hoặc hướng dẫn đám sĩ quan độc thân chúng tôi chút ít căn bản môn thể thao này. Được biết anh Trân là một cây vợt nổi tiếng vùng Hội An-Quảng Ngãi-Qui Nhơn khi anh còn là công chức trước khi bị động viên vào khóa 3 Thủ Đức.

Kế sân quần vợt. là hai dẫy nhà trệt mới xây, một dẫy dành cho SQ/HLV có gia đình, một dẫy dành cho SQ/HLV độc thân. Đằng sau khu nhà gạch này, còn có một số nhà gạch do người Pháp xây từ lâu, kiểu như nhà sàn miền Thượng, nền nhà cao lên với những trụ gạch bên dưới, lối ra vào ở hai đầu nhà có xây bậc thang để lên xuống. Một số nhà kiểu này dành cho khóa sinh các cấp, còn lại là kho vật liệu , khu gia binh và nơi ở cho quân nhân độc thân của trường. Lúc quân đội Pháp bàn giao Trung tâm này cho Trường PB VN, thì họ cũng bàn giao luôn một nhóm gái làng chơi (hợp pháp?) do họ mướn về, ở một trong những căn nhà sàn nói trên. [Chỉ một thời gian ngắn sau dó, nhóm này được giải tán].

Thường thường đi dã chiến vụ hoặc thực tập tác xạ chúng tôi kéo súng qua cổng sau của trại. Có một hệ thống điểm chuẩn trong trại để tập địa hình, liên kết với một số điểm chuẩn khác ngoài vùng xạ trường. Ngoài này có hai đài quan sát mang tên O1 và O2, Tây lấy chữ O do chữ Observatoire= Đài quan sát. Các đài quan sát này là hai ụ đất lớn, hình chữ U, do quân đội Nhật đắp lên để bảo vệ máy bay của họ từ thời 1941-45. Đứng trên những đài quan sát này, nhìn về hướng bắc tức là vùng tác xạ, khoảng cách từ 2 đến 8 km, ta thấy rải rác một số chiến xa to nhỏ, có cái bị trúng đạn nhiều lấn gần như rã ra, nhưng vẫn có thể dùng làm mục tiêu thực tập. Được biết giữa năm 1955 cũng có thêm một số chiến xa phế thải được tăng cường làm mục tiêu cho các pháo thủ.

Một sự kiện hầu như ai cũng biết là dân những làng kế cận xạ trường hay ra tháo gỡ sắt trên những chiến xa này vào những lúc không có tác xạ, chỉ để lại những mảng quá lớn thôi. Có người liều lĩnh ngồi núp đâu đó trong ngày có bắn tập, khi thấy trái đạn khói báo ngưng bắn là ùa ra kiếm đầu đạn (hoả pháo) để lấy dồng thau bán có tiền, nghe nói cũng có người chết hay bị thương sao đó, nhưng thời buổi chiến tranh ấy không thấy ai kiện cáo.

Gần hai đài quan sát là một sân bay, nay bỏ trống, tình trạng có vẻ còn tốt, không có canh gác, nếu làm nơi tập lái xe thì thật là lý tưởng. Ngoài hai ụ đất làm đài quan sát, địa thế gần như bằng phẳng, cây cối thưa thớt, rất thích hợp cho việc huấn luyện dã chiến, đủ rộng cho nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn thao dượt. Vào giữa năm 1955, một đơn vị thiết giáp do thiếu tá Vĩnh Lộc chỉ huy cũng đã đến đây để thực tập tác xạ và điều chỉnh đại bác trên các chiến xa.

Khoảng giữa năm, thi khai giảng khóa học đầu tiên của chương trình học pháo binh bằng Việt ngữ, gồm những sĩ quan hiện dịch, nhiều vị đã từng phục vụ lâu năm trong những đơn vị chiến đấu khác nhau, mà còn có cả những cựu huấn luyện viên quân trường nữa. Cũng nên nói thêm là một số sĩ quan khóa sinh khóa này về sau giữ những chức vụ quan trọng trong Binh Chủng, như đại tá Nguyễn Ngọc Sáu, CHT/PB/QĐII, đại tá Lê Văn Trang, CHT/PB/QĐIII… Những khoá B1 và B2 dành cho các hạ sĩ quan cũng tiếp tục khai giảng sau đó. Trong số huấn luyện viên chúng tôi, nhiều vị đã có kinh nghiệm qua thời kỳ giảng dậy Pháo binh trước đây tại Trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, (nay có danh hiệu mới là Liên Trường Võ Khoa ThủĐức), cho nên mỗi khi đến lớp không có trở ngại nào đáng kể. Tháng 5.55, đại úy Nguyễn Xuân Cảo là sĩ quan PB đầu tiên được du học Mỹ, về Chiến cụ Đạn dược ở Aberdeen Proving Ground, Maryland .

Trong trường có một căn phòng thiết kế đặc biệt để tập bắn, mà chúng tôi gọi là sân (bắn) giảm xạ, tạm dịch từ chữ tir réduit của Pháp. Một nửa căn phòng là nơi đứng quan sát (bằng ống nhòm), nửa kia là một mô hình xạ trường, cảnh vật mọi thứ thu nhỏ lại theo một tỷ lệ nào đó, có cánh đồng xanh, có núi đồi phía xa, có con sông quanh co, với những lùm cây cỏ đây đó, những mái nhà lác đác gần xa…Tất cả cảnh vật ấy được đặt trên một mạng lưới sắt ô vuông, mà sợi ngang sợi dọc có đánh số và chữ, để ghi tọa độ mục tiêu và để ban tác xạ (của nhà trường) ghi điểm rơi của mỗi viên đạn, tùy theo lệnh của quan sát viên. Ban tác xạ nhà trường căn cứ vào một bảng đã tính sẵn để đánh dấu điểm đạn rơi bằng một làn khói bơm từ bên dưới lưới của mô hình lên phía trên, làm cho người quan sát trông thấy (qua ống nhòm), mà ra lệnh điều chỉnh quả đạn kế tiếp. Bắn giả kiểu này có thể tiết kiệm đạn thật, nhưng những HLV cũng đã phải bỏ ra nhiều công sức tính toán thật kỹ lưỡng để tránh sai sót, theo đúng câu “sai một ly, đi một dặm. Mùa thu 1955, Trường Pháo Binh tham gia cuộc Triển lãm Quân đội tổ chức tại SàiGòn, nơi công viên trước Dinh Độc Lập, ngoài việc trưng bày những vũ khí PB, một sân bắn giảm xạ cũng được thiết kế khá công phu, với sự đóng góp của các HLV và những sĩ quan sinh viên của Trường, được Thủ tướng Ngô Đình Diệm đến quan sát kỹ lưỡng và khen ngợi.

Khoảng cuối tháng 8.1955. Trường PB được lệnh chuẩn bị di chuyển ra địa điểm mới tại xã Chánh Hiệp, ở ngay phía bắc thị xã Phú Cường, tỉnh lỵ Thủ Đầu Một. Đây nguyên là doanh trại của một đơn vị thiết giáp quân đội Pháp, xây cất quy mô chắc chắn, bên bờ sông Sài Gòn. Nếu theo dọc bờ sông, từ phía nhà lồng chợ đi lên phía bắc, là thấy ngay hai tòa nhà chính đồ sộ ba tầng lầu gạch ngói đỏ, nơi thành có tên Tây là Citadelle ở phía xa, ngay khúc cong của dòng sông. Đơn vị thiết giáp của quân đội Pháp đóng ở đây đã về nước, không hiểu vì sao mà người địa phương gọi trại này là Thành pháo thủ (?).

Trong thời gian chúng tôi thu dọn để di chuyển, thì một đơn vị thuộc binh chủng Quân cụ đến Phú Lợi để gỡ hết những bãi mìn do người Pháp đã gài từ trước, căn cứ vào những sơ đồ các bãi mìn để lại trong hồ sơ phòng thủ của trại. Vào một chiều thứ bẩy, toán gỡ mìn thanh toán khoảng đất nhỏ cuối cùng. Tôi không đi phép Sài Gòn, đang xêp dọn đồ đạc, thì nghe một tiếng nổ lớn phía ngoài, bèn chạy ra, mới hay là mìn nổ giữa hàng rào phòng thủ. Hỏi ra được biết là toán gỡ mìn chỉ còn phải gỡ một trái đạn súng cối nằm trong một bụi cỏ nữa là xong hết. Mặc cho mấy đệ tử khuyên là nên chầm chậm tìm cách gỡ cho an toàn hơn, ông trung úy trưởng toán lại đích thân xông vào gỡ, vì viên đạn súng cối nằm ngay trên mặt đất có vẻ dễ lấy ra, chẳng may trái đạn nổ làm ông bị tử thương tức thời. Kể ra, để thứ hai tuần tới làm nốt cũng được, nhưng ông trưởng toán muốn làm cho xong, vì có hẹn đi chơi với người hôn thê chiều hôm ấy rồi. Nha Quân cụ gửi ngay một toán chuyên viên đến, có cả cô người yêu của ông trung úy đi cùng. Nhưng rồi cũng loay hoay bàn bạc mãi, cho đến sáng hôm sau mới có người tình nguyện chui vào mấy lớp rào kẽm gai cột dây kéo ông trung úy ra được.

Sau khi Trường dọn đi, thì căn cứ này được xây cất thêm nhà, và trở thành một trại giam tù phiến cộng.

Doanh trại mới dành cho hai quân trường Pháo binh và Công binh. Căn nhà gạch bên trái từ cổng vào là văn phòng của hai Ban chỉ huy của hai trường. Trường Công Binh sử dụng căn nhà ba tầng bên trái Căn nhà lầu bên phải dành cho những kho vật liệu, văn phòng HLV, các lớp học, và nơi ở khóa sinh của Trường Pháo Binh. Câu lạc bộ Sĩ quan chung cho hai trường ở phía sau trường CB, nhìn ra sông Sài Gòn, hai trường luân phiên tổ chức nấu ăn mỗi tháng.

Phía ngoài trại, có một số nhà lầu hai tầng, một nhà dành cho các cố vấn Mỹ, những nhà khác dành cho các gia đình sĩ quan của hai trường. Một số gia đình sĩ quan PB khác thì ở trong một số nhà gạch trong trại, cạnh nhà lầu ba tầng PB.

Đang ở Phú Lợi doanh trại tương đối thuận tiện cho việc huấn luyện, nhất là thực tập di chuyển, bố trí xe cộ, đại bác, nhà ở, nhà kho rộng rãi, … nay thu hẹp vào một khoảng không gian chật chội, quả là khó thu xếp. Nhưng mọi chuyện rồi cũng xong, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Ban địa hình chúng tôi được bố trí trên lầu ba, thượng từng không gian. Ở đây xa mặt trời, ít khi các vị đàn anh leo lên kiểm soát công việc chúng tôi làm. Các lớp học thì ở tầng giữa. Những buổi thực tập địa hình lúc đầu cứ loanh quanh trong trại, nên tôi đề nghị với Ban giám đốc để lập một hệ thống địa hình ngoài trại, kế khu nhà dân, phía ngoài cổng sau của trường. Những điểm chuẩn địa hình ngoài khu sân bắn dần dần được xây gạch chắc chắn và đánh dấu rõ ràng.

Vùng hoạt động của trường mở rộng xuống phía nam, đến tận Búng, Lái Thiêu, khi có thực tập dã chiến vụ. Nhiều cuộc thi trắc nghiệm huấn luyện cho các tiểu đoàn PB cũng đã được tổ chức ở đây cũng như ở vùng xạ trường Phú Lợi.

Một điều khá lý thú là khi mới ra trại này, tất cả các sĩ quan hai trường đều được huấn luyện lại môn vũ khí cá nhân với khẩu Garand M1. Lại một dịp để ôn tập bài cơ bản thao diễn. Khẩu súng này nặng hơn khẩu MAS 36, “bắt súng chào” kiểu mới chỉ vài phút là thấy quá đủ. Sau này, có dịp ra trường PB ở Dục Mỹ, thấy khóa sinh Biệt động ở quân trường bên cạnh thao dượt ngày đêm suốt khóa với súng Garand không dây, tôi phục quá.

Tháng 11.1955, tôi được cử làm giám khảo môn địa hình cho kỳ thi mãn khóa Hoàn Hảo, bổ túc dành cho các sĩ quan giáo phái, tổ chức tại Trường Thiếu sinh quân ĐàLạt. Nhân dịp này, tôi được giao thêm thư ủy nhiệm liên lạc với Nha Địa Dư Quốc Gia trên đó để xin một bộ tài liệu và bản đồ ghi những điểm chuẩn (do Nha Địa Dư thực hiện) trên toàn lãnh thổ VN, để sau này về lập những hệ thống địa hình PB chính xác hơn. Thi hành xong hai nhiệm vụ này, tôi lại gặp trung úy Lý Trường Trân lên Đà Lạt nghỉ phép giải ngũ, anh rủ tôi đi xe đò xuống Nha Trang hóng gió biển. Tuổi trẻ ham vui, tôi đồng ý ngay, cũng vì chưa đến đó bao giờ. Trở về Đà Lạt, đến Quân vụ Thị trấn đóng dấu vào sự vụ lệnh, trở về trường trễ mất ba ngày, bị Đại úy Giám đốc Quân huấn Trần Văn Hào cảnh cáo, và nói :”Chậm chút nữa là tôi báo cáo anh đào ngũ rồi.” Tôi trình ông tờ sự vụ lệnh cùng với những tập sách và bản đồ được Nha Địa Dư cung cấp, thì ông không nói gì. Lúc này, Trung tá Bùi Hữu Nhơn đã đổi về Bộ Tổng Tham Mưu, và Thiếu tá Lâm Quang Thi lên làm Chỉ huy trưởng Trường. Ngoài ra, trung úy Nguyễn Văn Thi cũng dược thuyên chuyển về trường làm HLV môn Truyền tin, thay trung úy Lý Trường Trân giải ngũ.

Từ đây, việc huấn luyện hoàn toàn theo sách Mỹ. Tôi thấy về căn bản thì không có mấy sự khác biệt, ngoại trừ về cách thức điều chỉnh bắn của quan sát viên. Pháo binh của Pháp, cho đến thời gian ấy, thông thường cử những pháo đội trưởng đi làm tiền sát viên bên cạnh những đơn vị bộ binh. Cho nên khi pháo đội tác xạ bắn quả đạn đầu tiên, phải thông báo cho tiền sát viên (pháo đội trưởng), cả độ giạt lẫn biểu xích được bắn. Tiền sát viên (pháo đội trưởng) sẽ ra lệnh cho pháo đội tác xạ những yếu tố (độ giạt, thời nổ nếu có, và biểu xích) điều chỉnh để bắn viên đạn (hoặc loạt đạn) kế tiếp. Vì thế, cuốn sách table de tir xạ biểu rất quan trọng cho người sĩ quan tiền sát, để có thể luôn luôn biết rõ ở tầm xa nào, thuốc nạp nào, muốn xa hơn hay gần lại 100 mét thì thay đổi biểu xích là bao nhiêu; nếu sức gió (đông, tây, nam, bắc) bao nhiêu thì độ giạt phải thay đổi thế nào…Nói tóm lại là sĩ quan tiền sát trách nhiệm nặng nề hơn người pháo thủ ở pháo đội tác xạ. Có lẽ vì thế mà người Pháp mới tự hào Pháo binh là một binh chủng thông thái chăng ?
Nay theo lối mới, thì tiền sát viên sẽ thi hành nhiệm vụ dễ dàng hơn, phương thức điều chỉnh quả đạn giản dị hơn, không cần tính toán gì nhiều, mọi chuyện khác đều do pháo đội tác xạ lo hết. Và tiền sát viên có thể là bất cứ ai, miễn là biết thể thức điều chỉnh viên đạn. Trong quá khứ, cũng đã có nhiều khóa học điều chỉnh Pháo binh được tổ chức cho nhiều đơn vị khác nhau trong QLVNCH.

……………………………………………….
Tôi được lệnh đổi về Bộ Chỉ Huy Pháo Binh ở SàiGòn vào cuối tháng 7.1957, và lại có dịp làm việc với Đại úy Nguyển Hiền Điểm một thời gian nữa. Vào thời điểm này, Bộ Tổng Tham Mưu đã có ý định tìm một địa điểm khác cho Trường Pháo Binh, thuận tiện cho việc thực tập dã chiến, và nhất là cần có một sân bắn PB lớn hơn, không gần những khu vực dân cư. Đã có lần đại úy Phạm Cao Đông và tôi bay quan sát vùng Long Thành tìm sân bắn PB. Cuối năm 1957, tôi được chỉ định đi cùng một nhóm sĩ quan đại diện các binh chủng do Đại úy Nguyễn văn Ty thuộc Phòng 3/TTM dẫn đầu, đi quan sát chung quanh vùng Dục Mỹ (Khánh Hòa), tìm một khu vực mới cho cả Liên trường Thủ Đức. Chúng tôi dùng 3 máy bay quan sát hết một ngày, nhưng thấy không kết quả. Ít ngày sau, chúng tôi trở lại và đi thám sát một tuần đường bộ khắp vùng. Từ Dục Mỹ, xe jeep chĩ chạy đến Buôn Aêriêng là cùng đường, thế là phải tiếp tục lội bộ, vượt suối, leo đồi khắp vùng, lên đến tận Cheo Reo (quận Phú Bổn sau này). Không thấy Bộ TTM nhắc gì về bản phúc trình công phu của chúng tôi, cho mãi đến nhiều năm sau, Trường Pháo binh mới ra địa điểm mới này.
Hôm nay, viết về Trường Pháo Binh những năm tháng đầu, tôi thấy thời gian trôi đi mau quá. Những gì thuở đầu cũng làm cho ta nhớ lâu. Trong tinh thần huynh đệ chi binh, nhớ được bao nhiêu thì kể bấy nhiêu, để chúng ta cùng chia sẻ những kỷ niệm cũ, nếu có gì sai, sót, mong bạn đọc thông cảm cho trí nhớ của tuổi già, và xin bổ khuyết cho.

Campbell , CA. ngày 25 tháng 8 năm 2008

Nguyễn Mỹ Quang