Q.K.IV.Chiến Cuộc72-Part-1

QUÂN KHU 4 TRONG CHIẾN CUỘC NĂM 1972 phần 1
Posted on June 1, 2016 by dongsongcu

Nguyễn đức Phương

QD_IV_VNCH
QD IV VNCH.jpg
Phần 1

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân đoàn IV và Quân khu 4: “Mặc dù cả hai phía đều bị thiệt hại nặng nề, và tuy QLVNCH tại căn cứ Kompong Trach phải lui binh, địch quân đã phải gánh chịu một thất bại to lớn” (Lieutenant General Ngo Quang Truong, The Easter Offensive of 1972, trang 144; U.S. Government Printing Office, Washington, D.C., 1980).

Trung tướng Lê Đức Anh, Tư lệnh quân khu 9: “Dịp này, trên toàn địa bàn quân khu; ta tiêu diệt nó cũng khá, mà ngược lại, ta bị tổn thất, thiệt hại cũng nhiều” (Về Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước, Hồi Ức, Đại tướng Lê Đức Anh, Trên Chiến Trường Đánh Cho Mỹ Cút, Đánh Cho Ngụy Nhào, trang 225; nxb CTQG, Hà Nội, 2005).

Lời Nói Đầu

Chiến cuộc năm 1972 là trận chiến lớn nhất trong chiến tranh quốc – cộng. Nhiều tài liệu đã phân tích ba mũi tiến công chính của CS tại Quảng Trị, Kon Tum và Bình Long. Tuy nhiên chiến sự tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng trong khoảng thời gian này, chưa được ghi lại đầy đủ. Bài viết này dựa trên 20 trang trong quyển sách của Trung tướng Ngô Quang Trưởng[1], để từ đó bổ túc những chi tiết còn thiếu sót hay chưa ghi nhận được vào khoảng cuối thập niên 70 của thế kỷ 20; phân tích những điểm sai lầm; tổng hợp và đối chiếu từ nhiều nguồn tài liệu sau chiến tranh và nhất là từ chính những cựu sĩ quan QLVNCH đã trực tiếp tham chiến. Đây chính là những nguồn tài liệu chính xác và có giá trị nhất.

Chiến tranh được phân tích trên ba mức độ của nghệ thuật quân sự qua bốn trận đánh tiêu biểu. Những ưu và khuyết điểm của cả hai phía được trình bày theo nhận xét của tác giả. QLVNCH, với khả năng thiện chiến, lòng dũng cảm đã biến những sai lầm trên hai cấp độ chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch thành chiến thắng.

Trong ước vọng ghi lại và giữ gìn những chi tiết trung thực và chính xác cho cuộc chiến vừa qua, tác giả xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ của các cựu sĩ quan QLVNCH gồm Trung tá Ngô Đức Lâm, Trung tá Vương Văn Trổ, Thiếu tá Nguyễn Văn Răng, Thiếu tá Trương Văn Điền, Thiếu tá Trương Phước Hiệp và Đại úy Phạm Văn Tiết. Bài viết này sẽ khó thành hình như ngày hôm nay nếu không được sự khuyến khích và giúp đỡ của tất cả quý vị.

[1] Lieutenant General Ngo Quang Truong, The Easter Offensive of 1972, trang 137-156; U.S. Government Printing Office, Washington, D.C., 1980.

Trung tuong Ngo Quang Truong, tu lenh QD4-QK4..jpg

* * *

Năm 1972, quân đội CSBV đã ngang nhiên xé bỏ hiệp định Genève, tung quân vượt vĩ tuyến 17 để xâm lăng VNCH. Cường độ khốc liệt của chiến tranh khiến khoảng thời gian này thường được gọi là mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tài liệu này cho thấy chiến trận tại quân khu 4 của VNCH đã bắt đầu từ mùa Xuân năm đó.

Hầu hết các tài liệu đều nhắc đến ba mũi tiến quân chính nhưng cần phải phân biệt rằng CS phát động đến 5 chiến dịch trong cuộc Tổng tấn Công này[1]-[2] :

Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (30/3-5/6/1972) là hướng phối hợp đầu tiên, bắt đầu từ Tân Cảnh rồi Đắc Tô, Kon Tum và Plei Ku.

Chiến dịch Nguyễn Huệ (1/4-19/1/1972) là hướng phối hợp thứ nhì với mục tiêu tiêu diệt 3-4 chiến đoàn BB của QLVNCH, chiếm hai tỉnh Bình Long và Phước Long.

Chiến dịch Bắc Bình Định (9/4-3/5/1972) là hướng phối hợp thứ ba để chiếm tỉnh Bình Định.

Chiến dịch Đồng Bằng sông Cửu Long (10/6-10/9/1972) là hướng phối hợp sau cùng, đánh phá bình định trên địa bàn các tỉnh Mỹ Tho, Kiến Tường, Kiến Phong, Gò Công và Kiến Hòa.

Chiến dịch Trị Thiên (30/3-27/6/1972) là hướng tấn công chủ yếu, mục tiêu đánh chiếm Quảng Trị rồi tiến về phía Nam.

Chi tiết về các chiến dịch này đã được phân tích ở một chỗ khác[3]. Giữa những chiến dịch này, còn có các chiến dịch nhỏ hơn nhưng khá ác liệt, tuy nhiên thường không được nhắc đến, một phần do tầm mức to tát của ba chiến dịch xảy ra tại Quảng Trị, Plei Ku và An Lộc đã che mờ; phần khác do thiếu thông tin. Bởi những lý do vừa kể, tài liệu này nhằm mục đích tổng hợp lại những chi tiết xảy ra tại quân khu 4 của VNCH từ cả hai phía QLVNCH và quân đội CSBV để có thể có một cái nhìn bao quát và chính xác hơn. Phần lớn dựa vào quyển sách của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tuy nhiên nên lưu ý trong phần nói về quân đoàn IV và quân khu 4, quyển sách này chỉ có chi tiết và tương đối chính xác đến khoảng cuối tháng 4/1972 khi ông ra nhận chức vụ Tư lệnh quân đoàn I ngày 3/5/1972. Trong khi đó, các tài liệu của CS thường mang tính cách tuyên truyền nên chỉ được sử dụng để kiểm chứng vị trí và thời gian cùng với ý đồ và những cấp độ trong nghệ thuật quân sự. Những kết quả được ghi lại gần như hoàn toàn không có được độ tin cậy thông thường của sử liệu.

Cường độ chiến tranh tại Quân khu 4 đôi khi cũng mãnh liệt đến nỗi có lúc quân đoàn IV/QLVNCH phải sử dụng đến đơn vị trừ bị cuối cùng. Dĩ nhiên, cả hai bên tham chiến đều phạm phải lỗi lầm trong tác chiến nhưng QLVNCH, với khả năng thiện chiến, lòng dũng cảm đã biến những sai lầm trên hai cấp độ chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch thành chiến thắng.

Năm 1972, trong khu vực này có bốn trận đánh cần được ghi lại. Hai xảy ra trên đất Cao Miên (Campuchia) và hai trong nội địa VN. Trận có tầm vóc qui mô hơn cả là Kampông[4] Trach thuộc tỉnh Kampốt của Miên. Hai trận đánh kế tiếp xảy ra khi VC tấn công nhà máy xi-măng Hà Tiên tại Kiên Lương thuộc tỉnh Kiên Giang và chi khu Tuyên Bình, hay còn gọi là trận Long Khốt[5] thuộc tỉnh Kiến Tường. Trận đánh sau cùng xảy ra khi QLVNCH yểm trợ quân đội Quốc gia Khmer (FANK)[6] giải tỏa thị trấn Kampông Trabek nằm trên QL-1 từ Xoài Riêng đi bến phà Neak Luong thuộc tỉnh Prey Veng của Miên. Bốn trận đánh có liên quan với nhau trên bình diện chiến dịch sẽ được phân tích theo thứ tự thời gian.

1. TÌNH HÌNH NỘI ĐỊA & NGOẠI BIÊN

Đầu năm 1972, tin tức tình báo ghi nhận sự hiện diện của trung đoàn Z15[7] từ biên giới đã xâm nhập vào tỉnh Định Tường, trung đoàn Đ2 tại Bạc Liêu và Định Tường 1 cũng hoạt động trong tỉnh Định Tường, trong khi một đơn vị của trung đoàn Đ3 bị phát giác từ Vĩnh Long đã di chuyển về mật khu 487 trong tỉnh Vĩnh Bình.

Trong khi đó thì Liên đoàn 4 BĐQ chấm dứt cuộc hành quân dài hai tháng chung quanh Neak Luong ngày 31/1/1972 (địch : 128 chết, 67 bị bắt, 54 vũ khí cá nhân và 8 vũ khí cộng đồng bị tịch thu; bạn : 9 tử trận và 55 người khác bị thương). QLVNCH lui binh khỏi tỉnh Kampông Chàm khiến FANK cũng cho rút lữ đoàn 22 ra khỏi Krek về đóng tại Neak Luong. Tỉnh bị quân CS chiếm giữ từ đó cho đến khi chiến tranh chấm dứt.

Ngày 4/1, Lữ đoàn 4 KB chấm dứt cuộc hành quân dài một tháng (địch : 54 chết, 42 bị bắt, 22 vũ khí cá nhân và 1 vũ khí cộng đồng bị tịch thu; bạn : 4 tử trận và 5 người khác bị thương). Ngày 15/1, sư đoàn 7 BB chấm dứt giai đoạn 1 của cuộc hành quân Cửu Long 7 (địch : 111 chết, 34 bị bắt, 26 vũ khí cá nhân và 4 vũ khí cộng đồng bị tịch thu; bạn : 15 tử trận và 126 người khác bị thương). Giai đoạn 2 tiếp tục ngay sau đó nhưng vùng hành quân chuyển sang hai tỉnh Định Tường và Kiến Hòa. Ngày 7/1, Liên đoàn 42 BĐQ chấm dứt cuộc hành quân Cửu Long 44 dài tám ngày (địch: 26 chết, 21 bị bắt, 30 vũ khí các loại bị tịch thu; bạn : vô sự). ĐPQ của quân khu 4 phát động hành quân Đồng Khởi trên nhiều tỉnh trong 4 ngày 13-15/1 với kết quả địch : 439 chết, 55 bị bắt, 239 vũ khí các loại bị tịch thu; bạn : 61 tử trận và 295 người khác bị thương[8].

Sau Tết và trong suốt tháng 3, VC chỉ có những hoạt động lẻ tẻ, tấn công các đồn bót hẽo lánh. QLVNCH mở cuộc hành quân Đồng Khởi trong 3 ngày 7-9/2 với kết quả, địch : 225 chết, 41 bị bắt; bạn : 12 tử trận và 117 người khác bị thương. Thủy lôi được ghi nhận được VC sử dụng lần đầu tiên tại Tân Châu, gây hư hại nhẹ cho một tàu chở dầu lên Nam Vang.

Nhân dịp Tết Nguyên Đán, chính phủ VNCH tuyên bố ra lệnh ngừng bắn trong 24 giờ, bắt đầu từ 18.00 giờ ngày 14/2/1972. VC tuyên bố ngưng bắn trong 96 giờ, cùng ngày nhưng bắt đầu từ 1 giờ sáng.

Ngày 9/3, QLVNCH tổ chức cuộc hành quân Toàn Thắng 8 tại phía bắc tỉnh lỵ Xoài Riêng và chấm dứt ngày 29/3 (địch : 764 chết, 29 bị bắt, 1117 vũ khí cá nhân và 37 vũ khí cộng đồng, 871 tấn gạo, 49 tấn muối, 73 ngàn mét giây điện thoại và 21 ngàn lít xăng bị tịch thu; bạn : 9 tử trận và 67 người khác bị thương)[9]. Ngày 20/3, VC pháo kích và tấn công tỉnh lỵ Prey Veng và Neak Luong.

Khoảng giữa tháng 4, FANK tăng cường lực lượng tại Neak Luong để cố gắng giải tỏa QL-1 đi Kampông Trabek nhưng không thành công.

Ngày 18/5, tin tức tình báo cho biết VC tập trung tại Túc Mía (Tuk Meas)[10] phía bên kia biên giới Việt – Miên nên BTL quân đoàn IV cho trực thăng vận hai tiểu đoàn BĐQ vào hành quân tại Thất Sơn để ngăn chận VC xâm nhập vào hai tỉnh Châu Đốc và Kiên Giang. Ngày hôm sau thêm một tiểu đoàn BĐQ và một chi đoàn thiết kỵ vào trận. Không có đụng độ nào đáng kể do địch quân tránh giao tranh.

Ngày 19/5, hai đại đội thuộc trung đoàn 52, sư đoàn 1 tấn công Kiên Lương. QLVNCH sử dụng một tiểu đoàn BĐQ, một thiết đoàn và ba tiểu đoàn ĐPQ tái chiếm thị trấn ngày 24/5. Hai ngày sau, QLVNCH mới chiếm lại được nhà máy xi-măng. Ngày 27, khu vực chung quanh mới hoàn toàn an ninh. Tình hình chung tại BK 44 tương đối yên tĩnh cho đến cuối tháng.

Trong khi đó, ba trung đoàn 18B, 95A và Đ1 uy hiếp Chương Thiện vì trung đoàn 15 của sư đoàn 9 BB đã di chuyển lên Quân khu 3. Đến cuối tháng 5, ĐPQ mới đẩy lui được địch quân.

Ngày 1/6, 8 phi vụ đánh vào khu Túc Mía do tin tức tình báo cho biết có sự hiện diện của quân CS trong vùng. BĐQ vào vùng hành quân và chạm địch. Kết quả có 133 cán binh VC bị thiệt mạng, lực lượng hành quân có 6 binh sĩ bị tử trận và 17 người khác bị thương.

Sư đoàn 5 VC vừa được lệnh di chuyển xuống vùng châu thổ sông Cửu Long thì ngày 10/6, QLVNCH đã bắt được tù binh và biết ngay tin tức này. Ngày hôm sau, hai trung đoàn của sư đoàn 5 VC tấn công chi khu Long Khốt. Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, vừa mới thay thế Trung tướng Trưởng lập kế hoạch phản công. Ông ra lệnh cho BTL sư đoàn 7 cùng với hai trung đoàn lên hành quân vùng Chân Tượng trong khi QLVNCH củng cố hệ thống phòng thủ tại Định Tường.

Chỉ mấy ngày sau, VC đánh chiếm Kampông Trabek, tạo áp lực lên đoạn QL-1 của Miên từ khu Mỏ Vẹt đi Neak Luong. Đến tháng 7 thì chỉ Xoài Riêng và Neak Luong còn nằm trong tay quân chính phủ (FANK). Một cuộc hành quân do QLVNCH tổ chức để yểm trợ giải tỏa khu vực này. Khoảng 22 ngày sau thì QLVNCH đã giải tỏa hoàn toàn QL-1 và trao lại cho FANK để rút về VN.

Cũng trong tháng 7, QLVNCH bắt đầu phản công tại Quảng Trị.

Đầu tháng 7/1972, Sư đoàn 7 tổ chức hai cuộc hành quân. Một do Trung đoàn 10 phụ trách, được trực thăng vận lên hành quân dọc theo QL-1 của Campuchia ngày 4/7. Trong khi đó, hai tiểu đoàn BĐQ và một thiết đoàn KB phối hợp với hai lữ đoàn quân đội Quốc gia Khmer hành quân giải tỏa đoạn Neak Luong – Kampông Trabek. Ngày 19/7, chi đoàn 3/2 thiết kỵ cùng với một tiểu đoàn BĐQ tùng thiết theo ngã Cái Cái tiến vào đất Campuchia đánh thẳng vào Kampông Trabek. Thị trấn được giải tỏa ngày 24/7. Lực lượng hành quân để lại một tiểu đoàn BĐQ để yểm trợ FANK, tất cả còn lại rút về VN vì sư đoàn 5 VC đang gây áp lực tại tỉnh Định Tường.

Trung đoàn 12 bắt đầu cuộc hành quân vùng Chân Tượng ngày 3/7. Cuộc hành quân đụng độ với trung đoàn 271 VC. Địch quân có 115 cán binh bị hạ, lực lượng hành quân có 9 tử trận và 46 người khác bị thương. Ngày 8/7, QLVNCH tiến đến Kampông Rou. Ngày hôm sau, trung đoàn 12 được lệnh rút trở lại VN vì tỉnh Định Tường đang bị áp lực của ba trung đoàn Đồng Tháp 1, 215 và 218.

Ngày 8/7, trung đoàn 215 VC tấn công chi khu Sầm Giang thuộc tỉnh Định Tường. Chiến trận kéo dài được 5 ngày thì BTL/QĐ 4 cho tăng cường 4 tiểu đoàn ĐPQ và 1 tiểu đoàn BĐQ. VC tiến gần đến chợ quận thì QLVNCH với yểm trợ của trực thăng Việt – Mỹ chận đứng. Ngày 10/7, lực lượng tăng viện đụng độ với VC. Hai bên bị thiệt hại nặng. VC rút lui ngày 13/7. Ngày hôm sau, trung đoàn 10 thuộc sư đoàn 7 BB truy kích đã hạ sát được 18 VC.

Trong khi đó, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 14, sư đoàn 9 BB bị trung đoàn 95A phục kích tại Chương Thiện với thiệt hại nặng, 87 binh sĩ bị tử thương, 102 bị thương và 106 mất tích.

Ngày 18/7, hai tiểu đoàn 67 và 76 BĐQ bị trung đoàn 275 VC tập kích với tổn thất 36 binh sĩ bị tử trận, 53 bị thương và 53 mất tích.

Ngày 25/7, quân đoàn IV cho thành lập một BTL Tiền phương để đối phó với tình trạng gia tăng cường độ hoạt động của địch. Chuẩn tướng Nguyễn Thanh Hoàng được chỉ định phụ trách BTL/TP quân đoàn IV đặt tại căn cứ Đồng Tâm với hai mục đích chủ yếu :

Điều động các hoạt động hành quân trong vùng. Ngăn cản mọi hoạt động xâm nhập của VC vào lãnh thổ VNCH.

BTL này điều động sư đoàn 7 BB, một chiến đoàn gồm 5 tiểu đoàn BĐQ, lực lượng diện địa của tiểu khu Định Tường và trung đoàn 15 thuộc sư đoàn 9 BB tăng phái.

Ngày 27/7, một cuộc hành quân gồm nhiều tiểu đoàn được tổ chức tại phía tây-bắc tỉnh Định Tường. Phi cơ B-52 dội bom trong suốt hai ngày 26-27 khiến trung đoàn 24 VC bị thiệt hại nặng. Hai ngày sau, hai tiểu đoàn 43 và 44 BĐQ vào vùng hành quân đã đụng độ với trung đoàn VC này. Trận đánh kéo dài ba ngày với kết quả, địch có 100 người chết, bạn có 13 binh sĩ bị tử trận. Một cuộc chạm súng thứ nhì ngay sau đó khiến 23 cán binh CS bị chết. Lực lượng hành quân còn tìm được 53 xác địch quân bị chết từ trước.

Hai trung đoàn 1, 3 của sư đoàn 5 VC cố gắng xâm nhập vào hành lang dọc theo kinh Nguyễn Văn Tiếp (kinh Tháp Mười) để tiếp cận hai tỉnh Kiến Tường và Định Tường. Tư lệnh sư đoàn ra lệnh để lại tất cả các trang bị nặng tại hậu cứ sư đoàn ở Chí Phù để thích hợp với vận động chiến. Không có đụng độ lớn cho đến ngày 1/8, hai trung đoàn 1, 3 của sư đoàn 5 bất ngờ đánh chiếm các đồn Thày Yên, chùa Phật Đá, kinh Nguyễn Văn Tiếp và vùng Thiên Hộ. Trong khi trung đoàn 2 của sư đoàn 5 tiêu diệt lữ đoàn 66 của quân Lon-Nol tại phum Krang Swai gần Kampông Som.

Đầu tháng 8, BB và ĐPQ hành quân tảo thanh mật khu Trí Pháp. Ngày 3/8, trung đoàn 12 hạ sát 67 địch quân tại phía bắc Cai Lậy. Đêm kế tiếp, một đơn vị thuộc sư đoàn 7 BB giết 110 VC thuộc trung đoàn 174, sư đoàn 5 tại Kiến Tường.

Ngày 3/8, một tiểu đoàn ĐPQ tại Định Tường báo cáo hạ sát 32 địch quân và khám phá một hầm chôn 30 xác bị chết bởi bom. Cùng trong ngày, trung đoàn 14 đụng độ với trung đoàn Đồng Tháp 1. Địch bị hạ sát 18. bạn có 17 tử trận và 58 bị thương. Trong hai ngày 4-5/8, trung đoàn 12 hạ sát 170 VC của trung đoàn 24. Trong hai ngày 8-9/8, trung đoàn 14 đụng độ với VC khiến 35 binh sĩ bị tử thương. Thiệt hại của địch không rõ. Ngày 10/8, tỉnh Định Tường ghi nhận giết được 128 địch quân, tịch thu được 68 vũ khí cá nhân, 8 vũ khí cộng đồng và 4 súng cối.

ĐPQ tỉnh Định Tường báo cáo có tất cả 71 lần đụng độ trong ngày 24/8. Địch quân có 222 bị chết, 75 vũ khí các loại bị tịch thu.

Ngày 25/8, hai đại đội thuộc trung đoàn Z15 ra ngăn chận QL-4 tại phía tây Cai Lậy, đụng độ với một trung đoàn BB đang di chuyển hành quân cùng với thiết đoàn KB. Trận tao ngộ chiến kéo dài trong ba giờ. QLVNCH có 4 binh sĩ bị thiệt mạng, 21 người bị thương, một đại bác 105 ly bị phá hủy. Địch quân có 51 xác cán binh bỏ lại trận địa, hai tù binh bị bắt.

Đến cuối tháng 8, hai trung đoàn 1 và 3 của sư đoàn 5 trở lại vùng Sầm Giang, Cái Bè và Cai Lậy, đánh chiếm các đồn bót dọc kinh Lagrange[11] và QL-22, phát triển theo QL-4. Thấy Mỹ Tho bị áp lực nặng của VC, QL-4 nối với Sài Gòn có thể bị cắt đứt, Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh sư đoàn 7 BB điều động 2 tiểu đoàn 502 và 503 ĐPQ, tiểu đoàn 41 BĐQ và thiết đoàn 12 tấn công giải tỏa khu vực Thạnh Trị – Ba Thu – Tà Lu; đưa trung đoàn 10 của sư đoàn 7 phối hợp với 2 thiết đoàn càn quét khu vực Cái Bè. Trung đoàn 1, sư đoàn 5 bị thiệt hại nặng. Bùi Thanh Vân (Út Liêm), Tư lệnh sư đoàn 5 bị tử trận.

Trên chiến trường ngoại biên, tài liệu của CS ghi nhận cuộc phản công hành quân Angkor Chey của quân đội Lon Nol bắt đầu từ tháng 8 năm 1972. Lực lượng tham dự chỉ khoảng hai trung đoàn (5 tiểu đoàn quân đội CSBV và 5 tiểu đoàn Khmer đỏ[12]).

Thực tế là quân đội Quốc gia Khmer mở hai cuộc hành quân vào đầu năm 1972. Đầu tiên là hành quân Prekta, phối hợp với QLVNCH để giải tỏa QL-1 của CPC[13]. Cuộc hành quân thứ nhì là Angkor Chey khai diễn ngày 29/1 để giải tỏa áp lực của quân CS trong vùng Đế Thiên-Đế Thích (Angkor Wat). Cuộc hành quân kéo dài đến ngày 21/2 thì bị quân CS chận đứng. Ngày 20/3, quân CSBV quay sang tấn công tỉnh lỵ Prey Veng và căn cứ Neak Luong đồng thời pháo kích Nam Vang. Ngày 7/4, Khmer đỏ cắt đứt QL-7 nối Prey Veng với Neak Luong. Năm tiểu đoàn FANK đang được huấn luyện tại VNCH được tức tốc mang về nước để giải tỏa áp lực địch dọc theo QL-1 nhưng vẫn không khai thông được. Quân CSBV vẫn còn chiếm giữ Kampông Trabek. Bên phía đông, QLVNCH bắt đầu đụng độ với quân CSBV gần Kampông Trach. Thị trấn được báo cáo rơi vào tay quân CS ngày 30/4/1972. Giữa tháng 5, FANK vẫn chưa chiếm được vùng Đế Thiên – Đế Thích[14].

Ngày 4/7, FANK và QLVNCH khai diễn cuộc hành quân Sorya I dọc theo QL-1 của CPC. Kampông Trabek được tái chiếm khoảng gần cuối tháng. Thiệt hại của trung đoàn 207 VC trong cuộc hành quân này đã được một cán binh ghi lại như sau[15] :

“Chiến dịch Sory [sic] 2 giải phóng thị xã Kom Pong Trà Bét và trận đánh Phum chàm, hơn 100 cán bộ chiến sĩ của trung đoàn đã hy sinh cũng đều mai táng rải rác trên cánh đồng CPC và gần chùa Prây Rầm Long”.

Sau đó, khi hai lữ đoàn 11 và 66 của FANK chuẩn bị khai diễn cuộc hành quân Sorya II thì được tin cấp báo, VC lần đầu tiên sử dụng các chiến xa ra ngăn chận QL-1, chia cắt hai lữ đoàn của FANK.

Tài liệu của CS cho biết có đưa một tiểu đoàn cơ giới chứ không phải là một tiểu đoàn chiến xa lên tham dự các trận đánh trên đất Miên. CĐT chi đoàn 3/2 phân tích sự kiện này[16] :

“Từ sau HĐ Paris cho đến hết năm 1974 tôi hoạt động tại vùng này. Tin tức quân Bắc Việt có chiến xa là không chính xác. Nó chỉ cần đóng ván ép chung quanh vài chiếc máy cày rồi nhá nhá ra cho khói bụi mịt mù, thế là mấy đại đơn vị của Miên quăng súng mà chạy ! Có một lần ngay cả BCH thiết đoàn của tôi cũng bỏ chạy như thế. Hôm đó (đầu năm 1974) chúng tôi hoạt động ở khu tây-nam Svay Rieng khoảng 10 km. Chi đoàn tôi đi sau cùng, đến xế chiều đang nằm chờ lệnh rút trở về nội địa thì phi cơ L.19 báo hình như có chiến xa của VC xuất hiện ở phía bắc. Thế là BCH thiết đoàn bỏ chạy, nhìn thấy họ chạy băng băng giữa đồng trống về hướng tôi, tôi làm như không biết đó là thiết đoàn, điều động chi đoàn dàn hàng ngang theo kiểu sẵn sàng giao chiến. Thế là ThĐT lên tiếng bảo đừng bắn nhầm, vì đó là thiết đoàn !”.

CĐT chi đoàn 1/16 cũng có cùng nhận xét[17] :

“Nhiều lần VC đánh lừa và định hù dọa bộ binh của mình trên đất Miên bằng cách dùng khoảng 3 xe máy cày, ở trên đặt súng thượng liên, phía sau cột mấy chà cây khô, kéo theo tung bụi mù, chạy xa xa và bắn. Một lần tại phía bắc Kompong Ru tôi cho 5 M.113 đưổi theo bắn nát hai chiếc, chúng vác súng chạy mất. Lần khác tại biên giới quận An Phú, Châu Đốc, chúng cho một đàn trâu, phía sau cột nhiều chà cây, xong chúng lùa đàn trâu từ đất Miên về hướng vùng hành quân của mình. Bộ binh la hoảng là chiến xa địch tấn công. Tôi cho đại bác 106 ly bắn vào, đàn trâu hốt hoảng chạy ngược trở lại hướng VC”.

Một sĩ quan thuộc tiểu đoàn 1/10, sư đoàn 7 BB đã ghi nhận tại mặt trận Kampông Rou trên đất Campuchia[18] :

“Độ một giờ sau, tôi cùng thương binh, tử sĩ được đưa ra bãi trực thăng tản thương. Chúng tôi đợi một hồi lâu mà trực thăng chưa đáp xuống được vì bị đạn địch pháo từ hướng Tây về nổ rất gần. Bất chợt, L19 quan sát báo cho biết thiết giáp của địch đang tiến về hướng chúng tôi. Lúc đó, mạnh ai nấy chạy về vị trí phòng thủ đêm cách bãi trực thăng tản thương độ 200 thước bỏ lại thương binh trong có cả tôi ở nơi bãi bốc. Tôi lồm cồm ngồi dậy, vớ một thân cây thay gậy chạy cà thọt một cách rất khó khăn, cố gắng lắm mới lết về đến vị trí phòng thủ. Giây phút nặng nề trôi qua, L19 tái xác nhận là địch dùng xe bò ngụy trang thành thiết giáp để đánh lừa chúng ta”.

Một vài thông số có liên quan đến các loại thiết giáp thông dụng trong chiến tranh Việt Nam được so sánh trong Bảng 1 để nhận định về khả năng VC có thể đưa thiết giáp xuống gần biên giới Việt – Campuchia.

BẢNG 1 – THÔNG SỐ VỀ CÁC LOẠI THIẾT GIÁP THÔNG DỤNG

Việc làm giả chiến xa để hù dọa QLVNCH có lẽ từ ý nghĩ của các cấp chỉ huy địa phương của VC hơn là chủ trương chính thức từ BTL Miền. Quan sát các thiết đoàn KB tại quân khu 4 của VNCH hoàn toàn không có chiến xa thì có thể đoán biết lý do chiến xa không thích hợp với vùng sông nước. Tháng 8/1966, Đại tướng Johnson, TMT lục quân Mỹ chấp thuận một đề án nghiên cứu do Thiếu tướng A L West, Jr. phụ trách, có chủ đề là “Hành quân Tác chiến bằng Cơ giới và Thiết giáp tại Việt Nam”, viết tắt là MACOV[19]. Một trong những vấn đề được nghiên cứu là thế đất của miền Nam VN. Sơ đồ 1-2 là kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 61 % thế đất có thể sử dụng chiến xa và các đơn vị yểm trợ trong mùa khô. Trong mùa mưa, chiến xa và các đơn vị yểm trợ chỉ có thể di chuyển trên 46% lãnh thổ miền Nam. Riêng thiết vận xa thì có thể di chuyển trên khoảng 65% lãnh thổ trong suốt năm. Nhìn Sơ đồ 1, người ta có thể thấy ngay cả trong mùa khô, chiến xa của CS nếu đưa được vào gần biên giới Việt – Campuchia thì vẫn không thể chạy qua vùng biên giới. Bề ngang các cầu thông thường tại đồng bằng sông Cửu Long đều hơn 4 m nên không có vấn đề với thủy xa PT-76. Nếu TVX/M-113 qua cầu được thì sẽ không có trở ngại về tải trọng của cầu đối với PT-76 (xem áp lực mặt đất trong Bảng 1 trên). Tháng 4/1975, trong những trận đánh sau cùng của trung đoàn 12 thuộc sư đoàn 7 BB, nhiều thủy xa PT-76 bị bắn hạ tại Long An cho thấy tin tức về sự hiện diện thiết giáp của VC trong vùng biên giới Việt – Campuchia là có căn cứ[20].

Ngày 6/7, lần đầu tiên một trực thăng của không quân Campuchia bị hỏa tiển SA-7[21] bắn hạ (xem Hình 1-2).

Hình 1: Hỏa tiễn phòng không SA-7

Ngày 4/8, QLVNCH cho trực thăng vận một tiểu đoàn BB xuống địa điểm cách Cái Cái 22 km về phía đông-bắc đồng thời một tiểu đoàn khác làm lực lượng tùng thiết cho một chi đoàn KB tiến bằng đường bộ vào đất Campuchia. Ngày hôm sau thêm một tiểu đoàn BĐQ được tăng cường cho lực lượng hành quân. Chạm súng lẻ tẻ với trung đoàn 207 được ghi nhận trong hai ngày 5-6/8. VC có 52 cán binh bị bắn hạ.

Bản tin của hãng thông tấn AP cho biết ngày 6/8/1972, Bộ Tư lệnh Quân sự Mỹ thông báo phi cơ Mỹ phá huỷ 9 chiến xa của CS cách Kampông Trabek khoảng 4 dặm Anh về phía tây. BTL quân đội Cộng hòa Khmer cho biết không quân của họ phá hủy 4 chiếc khác[22].

Ngày 10/8, trung đoàn 11 đụng độ với khoảng một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 174 tại một vị trí cách Mộc Hóa khoảng 15 cây số về phía bắc. Địch quân có 222 người chết. Bạn có 15 binh sĩ bị tử trận.

Ngày 16/8, liên đoàn 7 BĐQ lên giải vây cho căn cứ Kampông Trabek của Quân đội Cộng hòa Khmer. Ngày 23/8, QLVNCH bắt tay được với lực lượng phòng thủ và rút trở lại VN hai ngày sau đó để có thể đưa liên đoàn BĐQ này ra tăng cường cho quân khu 1 ngày 2/9/1972.
T
Trong hai tháng 9 và 10, các hoạt động hành quân tại Quân Khu 4 tập trung vào ba mục tiêu :
– Ngăn chận sự xâm nhập của sư đoàn 1 vào vùng Thất Sơn
– Ngăn chận hai đường xâm nhập 1A và 1B vào mật khu Trí Pháp
– Tìm và diệt các đơn vị chủ lực của VC trong khu vực ở giữa và phía nam tỉnh Định Tường.

Ngày 2/9, hai tiểu đoàn BĐQ cùng với hai chi đoàn KB hành quân vào Thất Sơn. Ngày hôm sau, một tiểu đoàn BĐQ thứ ba được trực thăng vận thẳng vào vùng hành quân. BTL/BK 44 được di chuyển đến Trung tâm Huấn luyện Chi Lăng để điều khiển cuộc hành quân này. Cuộc hành quân được khoảng một tháng nhưng chỉ có những cuộc chạm súng lẻ tẻ. Trung đoàn 31 thuộc sư đoàn 21 BB được tăng phái cho BK 44 để kéo dài đồng thời mở rộng vùng hành quân về phía tây từ ngày 22/9.

Ngày 8/9, quân CS chiếm lại Kampông Trabek sau khi QLVNCH lui binh. Quân CS thừa thắng tiến về hướng Nam Vang. FANK ngăn chận được các đặc công CS nhưng bị mất 7 thiết vận xa M-113.

Trong khi đó, sư đoàn 7 BB hành quân vùng Chân Tượng trên phía bắc, khám phá được kho chứa 125 tấn gạo và 215 vũ khí các loại trong hai ngày 14-15/9.

Ngày 13/9, lực lượng diện địa của quân đoàn IV báo cáo tiêu diệt được 116 địch quân thuộc trung đoàn Z18 trong địa phận tỉnh Định Tường.

Trên khu vực biên giới, tiểu đoàn 3/10 hạ sát 109 địch quân ngày 6/10 tại một vị trí nằm cách Kampông Trabek 13 km về phía đông-nam. Tiểu đoàn có 2 binh sĩ bị tử trận và 11 người bị thương. Năm ngày sau, cũng đơn vị này giết được 59 VC trong khi có 9 binh sĩ bị tử trận và 48 người bị thương. Tài liệu tịch thu được cho biết cả hai lần đụng độ với trung đoàn 207 VC. Sư đoàn 7 BB nâng lực lượng hành quân lên hai trung đoàn.

Ngày 17/10, trung đoàn 275 VC trở lại tấn công chi khu Sầm Giang nhưng bị đẩy lui, bỏ lại 34 xác. Lực lượng trú phòng có 4 tử thương và 32 bị thương.

Ngày 23/10, trung đoàn 11 đụng độ với một đơn vị hậu cần và khám phá hầm chứa 300 cuốc, 1000 xẻng và 7 đại liên phòng không. Địch có 42 cán binh bị chết. Bạn có 10 binh sĩ bị tử trận và 35 thương binh.

Ngày 4/10, BĐQ Biên phòng được phi cơ yểm trợ đã hạ sát 54 VC trong một cuộc hành quân tại Thất Sơn. Không có tổn thất được ghi nhận về phía bạn.

Ngày 24/10, quân đoàn IV cho di chuyển lực lượng từ khu vực Cái Cái xuống ranh giới hai tỉnh Định Tường – Gò Công để giải tỏa áp lực của trung đoàn 24 VC. Hai tiểu đoàn BĐQ được đưa đến phía tây-bắc tỉnh Kiên Giang để truy tìm dấu vết của trung đoàn 52, sư đoàn 1. Trong khi đó, trung đoàn 14 đụng độ với trung đoàn 6, sư đoàn 5 VC khiến 32 binh sĩ bị tử thương, 36 bị thương. VC có 57 cán binh bị hạ. Ngày 30/10, một tiểu đoàn ĐPQ giết được 48 VC của trung đoàn 6 nhưng chỉ có 5 binh sĩ bị thương tại một địa điểm cách Cai Lậy 14 km về phía tây-bắc.

Hòa đàm Paris bị bế tắc từ trước được mở lại ngày 19/6/1972. Đại diện của chính quyền Hà Nội đưa ra đề nghị mới nhằm chấm dứt chiến tranh. Phía Mỹ tuyên bố sẽ cố gắng đạt được thỏa hiệp trước ngày 31/10/1972. Do đó, VC gia tăng hoạt động trên khắp lãnh thổ quân khu 4 để chuẩn bị chiếm thời cơ khi cho rằng hiệp định Paris sắp được ký kết. Tháng 10 năm 1972, Tư lệnh quân khu 9 của VC cho tập trung 4 trung đoàn 1, 2, 10 và 20 về hoạt động chung quanh tỉnh Chương Thiện. Chỉ để lại trung đoàn 3 hoạt động tại khu vực Vĩnh-Trà (hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh). Sở chỉ huy quân khu trú tại phía tây-nam Long Mỹ, di chuyển lưu động trên ba xã Lương Tâm, Vĩnh Viễn và Xà Phiên thuộc quận Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện[23]. Bây giờ huyện Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang.

Chỉ có một trận đánh lớn được ghi nhận trong khoảng thời gian này khi trung đoàn 14 (TrĐT là Đại tá Lê Trung Thành) thuộc sư đoàn 9 BB tiêu diệt một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 207 VC, bắt được 73 tù binh tại rạch Đá Biên, quận Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường[24]. Trung đoàn 207 từ Mỏ Vẹt vượt sông Vàm Cỏ Tây để xâm nhập vào lãnh thổ VNCH. Khi qua rạch Đá Biên thì bị phát giác. Một cuộc oanh tạc được thực hiện ngay sau đó. Tiểu đoàn 1 nằm lại chiến đấu để BCH trung đoàn và các đơn vị còn lại rút lui nên đã bị tiêu diệt. QLVNCH tổ chức hành quân trong vùng nên đến 12 ngày sau, trung đoàn 207 mới có thể cho trinh sát trở lại tìm kiếm thương binh và chôn cất các cán binh bị tử trận.

Một cán binh của trung đoàn 207 xác nhận chi tiết của trận đánh này như sau[25] :

“Đặc biệt trận đánh 31/10/1972 tại cù lao Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Gần 400 cán bộ chiến sĩ của trung đoàn hy sinh. Đại đa số đều bị chết chìm dưới sông Cửu Long, lúc vượt sông ban đêm. Khi xác anh em nổi lên đã trôi dạt trãi dài từ Hồng Ngự, dọc theo sông Tiền đi qua các vùng Thanh Bình, Chợ Mới, Cao Lãnh, Sa Đéc, Tiền Giang, Bến Tre và trôi ra biển. Nhân dân gặp xác đâu đem lên chôn đó và chẳng biết gốc tích là ai, riêng ở địa phận huyện Hồng Ngự thì nhân dân biết là thân xác của bộ đội trung đoàn 207, do vậy sau hòa bình tỉnh Đồng Tháp quy tập về các nghĩa trang Thường Thới Tiền, nghĩa trang biên giới Tam Nông, đều ghi trên mộ vỏn vẹn E207 không tên, không tuổi, không quê quán”.

Tổng thống VNCH đã dùng trực thăng đáp xuống trận địa, gần Mỹ An để thị sát chiến trường[26]. Vị trí này nay tọa lạc tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An[27].

Một tài liệu của VC bị tịch thu ngày 24/9/1972 tại Bình Dương (tọa độ XT 787293[28]) cho thấy nghị quyết 13 của ủy ban thường vụ Trung ương cục miền Nam ra lệnh đưa quân đội CS vào chiếm giữ các vị trí trọng yếu, phá hoại chương trình bình định và kế hoạch VNHCT, qua hai giai đoạn[29]:

– Giai đoạn 1 kéo dài trong hai tháng 9-10/1972 nhằm giành dân, chiếm đất.
– Giai đoạn 2 kéo dài trong hai tháng cuối của năm 1972 là giai đoạn quyết định cuộc chiến tranh một khi có thỏa thuận hòa bình (hiệp định Paris). VC dự trù chính quyền hòa hợp và hòa giải dân tộc chỉ hiện diện ở cấp trung ương mà thôi. Sau khi ngừng bắn, cán bộ VC sẽ cất dấu vũ khí và len lõi vào nắm các chức vụ tại địa phương.

Tài liệu trên cũng cho biết người ký tên trong tài liệu là Nguyễn Phú Quốc đã thay thế Chín Vinh (Trần Độ) trong chức vụ chính ủy quân giải phóng miền Nam[30].

Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973.

2. DIỄN TIẾN

2.1. Phân bố lực lượng

2.1.1. QLVNCH

An ninh lãnh thổ quân khu 4[31], gồm 16 tỉnh của VNCH được phân chia trách nhiệm cho 3 sư đoàn BB của quân đoàn IV. Riêng đặc khu Phú Quốc do Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm Hải quân phụ trách, được tăng phái một tiểu đoàn quân cảnh và một tiểu đoàn ĐPQ (xem Sơ đồ 3).

Sư Đoàn 7 (gồm 3 trung đoàn 10, 11, 12 BB và thiết đoàn[32] 6 KB, xem Hình 3-6) với BTL đặt tại căn cứ Đồng Tâm, gần thị xã Mỹ Tho, chịu trách nhiệm 4 tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường, Định Tường và Gò Công. Khu vực này bao gồm hai đường xâm nhập chủ yếu của VC từ lãnh thổ Miên vào VNCH. Đường 1A len theo ranh giới giữa hai tỉnh Kiến Phong và Kiến Tường để vào mật khu Trí Pháp, là khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường và Định Tường. Đường 1B phát xuất từ tỉnh Xoài Riêng của Campuchia đi qua Đồng Tháp Mười, cũng để xâm nhập vào mật khu Trí Pháp.

Sư Đoàn 9 (gồm 3 trung đoàn 14, 15, 16 BB và thiết đoàn 2 KB) với BTL đặt tại Sa Đéc, sau dời về Vĩnh Long, chịu trách nhiệm 4 tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Vĩnh Bình và Kiến Hòa.

Sư Đoàn 21 (gồm 3 trung đoàn 31, 32, 33 BB và thiết đoàn 9 KB) với BTL đóng tại Bạc Liêu, chịu trách nhiệm 5 tỉnh Phong Dinh, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên, Chương Thiện và khu vực phía nam của tỉnh Kiên Giang, kể cả tỉnh lỵ Rạch Giá.

Để giảm bớt trách nhiệm an ninh diện địa cho ba sư đoàn chủ lực của QLVNCH hoạt động trên lãnh thổ của quân khu 4, Biệt khu 44 được thành lập ngày 1/1/1968[33]. Biệt khu có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho khu vực biên giới Việt – Miên, kéo dài từ Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang đến khu vực Mỏ Vẹt tiếp giáp biên giới hai tỉnh Kiến Tường – Hậu Nghĩa; bao gồm 3 tỉnh còn lại của quân khu 4 là Kiến Tường, Kiến Phong, Châu Đốc[34]. BTL/BK 44 đặt tại thị xã Cao Lãnh thuộc tỉnh Kiến Phong, Vị trí lúc ban đầu chỉ có những dãy nhà do quân đội Pháp để lại. Sau đó một khu vực khang trang hơn được xây cất thêm, làm nơi đồn trú cho BTL/BK, toán 50 cố vấn thuộc BTL Viện trợ Quân sự Mỹ tại VN (MACV) và một đơn vị thuộc tiểu đoàn 52 Truyền tin của quân đội Mỹ. BCH của tiểu đoàn này đặt tại Cần Thơ (xem Hình 7-12).

Bộ Tư Lệnh Biệt Khu 44

Ảnh từ trái sang phải là Chuẩn Tướng Trần Văn Hai (1927-1975), Tư Lệnh Biệt Khu 44 từ năm 1969 đến năm 1971; Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (1929-2007), Tư Lệnh Quân Đoàn IV và Chuẩn Tướng Nguyễn Khoa Nam(1927-1975), Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB. Người sưu tầm ảnh trên cho rằng bức ảnh được chụp năm 1972, tuy nhiên có lẽ phải chụp trước đó vì nguyên CKT Chi khu Hà Tiên xác nhận năm 1972, Đại Tá Hoàng Đức Ninh đã thay thế Đại Tá Hai trong chức vụ Tư Lệnh BK 44 (Điện thoại viễn liên với cựu Thiếu Tá Trương Phước Hiệp ngày 25/3/2012).
Lực lượng chiến đấu chính của Biệt Khu 44 là một Liên đoàn Biệt Động Quân và 8 tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng. Tài liệu của cố vấn trưởng ghi nhận lúc cao điểm của mùa hè đỏ lửa, BK 44 chỉ huy 13 tiểu đoàn BĐQ, 4 thiết đoàn và các đơn vị pháo binh tương đương với 4 tiểu đoàn[35].

BK 44 giữ nhiệm vụ duy trì hai căn cứ tiền phương trên đất Cam-Bốt là Neak Luong và Kampông Trach, do các đơn vị BĐQ trấn giữ. Neak Luong nằm trên Quốc lộ 1 đi từ Nam Vang đến thị trấn Bavet gần vùng biên giới Việt – Miên. Bến phà Neak Luong ở phía tả ngạn của sông Cửu Long và cách thủ đô Nam Vang khoảng 61 km về phía đông-nam. Căn cứ Kampông Trach cách Hà Tiên khoảng 19 km về phía bắc.

Trong vùng lãnh thổ trách nhiệm của BK 44 có ba đường xâm nhập của CS từ đất Miên vào lãnh thổ VNCH. Đưòng đầu tiên xâm nhập từ ngoài biển vào gần Kép trên đất Miên rồi qua ngã Lục Sơn vượt biên giới Việt – Miên vào xóm Bà Lý. VC vào trú ẩn trong khu vực núi Tà Bang, Giếng Tượng, núi Thom, Hoành Tấu, Tà Hong ở phía tây Hà Tiên[36]. Đường thứ nhì là đường giao thông công khai do ban K26 phụ trách, cũng bắt đầu từ Sóc Chuốt trên đất Miên hay từ Neak Luong xuống Tân Châu, Hồng Ngự thuộc tỉnh Kiến Phong, Vàm Xáng thuộc tỉnh Châu Đốc, rồi đi khắp các tỉnh thành của quân khu 4 VNCH. Đây là đường xâm nhập lâu đời nhất, có từ những năm đầu tiên của Đệ Nhất Cộng Hòa. Cán bộ giao liên VC sử dụng giấy tờ giả mạo để đưa rước cán bộ (được gọi là chỉ thị sống) cao cấp đi họp, chuyển vùng, chuyên chở văn bản (chỉ thị cứng), luật cơ yếu (mật mã truyền tin), tiền bạc, súng đạn, xăng dầu, v.v.

Hệ thống giao thông công khai có tất cả 316 người trong năm 1959, năm 1963 giảm còn 191 người. Số cán bộ nhiều nhất là 377 người năm 1974. Phương tiện giao thông gồm xuồng chèo, xuồng máy, ghe buồm, xe, tàu đò. VC cũng gặp phải những ngăn chận liên tục của VNCH mà điển hình là một số vị trí xâm nhập trong địa phận tỉnh Kiên Giang (tỉnh Rạch Giá của VC) được đổi tên để nói lên những khó khăn, nguy hiểm khi phải vượt qua như Biển Bạch (thuộc quận Thới Bình, tỉnh An Xuyên) là sông “Bạc Đầu”, sông “Lộ Cả Tháng” là sông Cái Lớn và khu dinh điền Cái Sắn hay kinh Vĩnh Tế có tên là kinh “Vĩnh Biệt”[37]. Đường xâm nhập sau cùng, quan trọng nhất là đường 1C từ Sóc Chuốt, Túc Mía trên đất Miên vượt qua kinh Vĩnh Tế xuống rừng tràm Trà Tiên, theo kinh Kháng Chiến trên ranh giới giữa hai tỉnh Kiên Giang và Long Xuyên, đi qua xã An Hoà, Dương Hòa, Kiên Lương xuống xã Đức Phương, Tín Đạo trên LTL-80, chạy dọc theo kinh Hà Tiên – Rạch Giá. Vượt kinh Ba Thê xuống xã Tà Keo, ấp Mỹ Lâm, vượt qua LTL-8A Long Xuyên – Rạch Giá tại Ấp Tân Lợi, xã Tân Hội, quận Kiên Tân cách Rạch Giá khoảng 15 cây số (km15), sau đó vượt kinh Rạch Sỏi – Hậu Giang, theo kinh B và kinh Ông Trường Tiền, ranh giới thiên nhiên giữa hai quận Thốt Nốt của tỉnh An Giang và quận Kiên Tân của tỉnh Kiên Giang (dọc theo phía đông của khu dinh điền Cái Sắn), đi ngang qua xã Giục Tượng rồi theo kinh Nước Mặn xuống Miệt Thứ[38], Hiếu Lễ, Thúy Liễu thuộc tỉnh Chương Thiện. Sau cùng qua sông Cái Lớn để đi xuống hậu cần tại U Minh trong tỉnh Kiên Giang[39]. Đơn vị VC chủ yếu hoạt động trong vùng là sư đoàn 1[40] với 3 trung đoàn BB. Trung đoàn 52 hiện diện thường xuyên trên đường 1C trong khi hai trung đoàn 44 và 101Đ hoạt động trong vùng Thất Sơn của tỉnh Châu Đốc (xem Sơ đồ 4).

Để phòng thủ quân khu 4, BTL quân đoàn IV đặt ra 3 tuyến chính :

– Tuyến biên giới với hai căn cứ Kampông Trach và Neak Luong, chủ yếu đoạn từ Tân Thành, Cái Cái, Tuyên Bình, sông Vàm Cỏ Tây đến căn cứ Tuyên Nhơn do Biệt Khu 44 phụ trách.

– Tuyến kinh Dương Văn Dương (Gãy, Kinh Quận, Kiến Bình), kinh Lagrange (Tuyên Nhơn), kinh Tháp Mười (Mỹ An, Thiên Hộ, Mỹ Phước Tây) và kinh Tổng đốc Lộc (Long Định, chợ Thày Yên, Bến Tranh) do hai trung đoàn 11 và 12 thuộc sư đoàn 7 BB và các liên đội ĐPQ đảm trách. Nằm ở vị trí trọng yếu để bảo vệ QL-4, lực lượng diện địa của tỉnh Định Tường năm 1972 gồm có 67 đại đội ĐPQ, 368 trung đội nghĩa quân và 397 NDTV, 8 trung đội pháo binh 105 ly[41].

– Tuyến QL-4 (Thẻ 23 thuộc chi khu Cái Bè, Cai Lậy, Long Định, ngã ba Trung Lương, Mỹ Tho, Tân Hiệp) là trách nhiệm của sư đoàn 7 BB và lữ đoàn 4 KB.

Gần cuối năm 1974, Bộ TTM đệ trình kế hoạch cải tổ binh chủng BĐQ để tổ chức lực lượng tổng trừ bị cho QLVNCH, với viễn ảnh hai sư đoàn Dù và TQLC có thể phải đóng quân lâu dài tại quân khu 1. Do tình hình an ninh vùng biên giới Việt – Miên trở nên khả quan hơn, hai trung đoàn 52 BB và 44 đặc công bị tổn thất nặng trong những trận đánh trong vùng Thất Sơn nên đã bị giải tán. Trung đoàn 101Đ chỉ còn khoảng 200 cán binh nên phải rút sang đất CPC vào tháng 9/1973 để tái trang bị và bổ sung quân số. Do đó, CS phải cho giải tán sư đoàn 1 vào cuối năm 1973[42]. Tình trạng an ninh được cải tiến nên BK 44 được giải tán vào cuối năm 1974. Các tiểu đoàn BĐQ trực thuộc được đưa sang các quân khu khác.

2.1.2. Quân đội csSBV & Việt cộng

2.1.2.1. Địa bàn chiến dịch

CS chia lãnh thổ VNCH thành 4 vùng và gọi là mặt trận. Mặt trận B1 thường được gọi là quân khu 5 bao gồm 7 tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Bổn, Phú Yên và Khánh Hòa. Mặt trận B3 là vùng cao nguyên Trung Phần gồm 3 tỉnh Kon Tum, Plei Ku và Đắc Lắc. Mặt trận B4 hay mặt trận Trị Thiên gồm hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Mặt trận B2 bao gồm toàn bộ các tỉnh còn lại của VNCH kéo dài từ Đà Lạt trên phía Bắc đến tận An Xuyên ở phía Nam và hai đảo Côn Sơn, Phú Quốc. Như vậy mặt trận B2 bao gồm một phần lãnh thổ của quân khu 2 và toàn thể lãnh thổ của hai quân khu 3 và 4 của VNCH. 3/4 chiều dài biên giới Việt-Miên thuộc vùng trách nhiệm của mặt trận B2.

Để thích ứng với cường độ chiến tranh, VC lại chia mặt trận B2 thành bốn Quân khu. Quân khu 6 hay còn gọi là khu cực nam Trung Bộ gồm lãnh thổ 6 tỉnh của VNCH là Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy. Quân khu 7 hay còn gọi là Khu 1 là miền Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Phước Long, Bình Long, Tây Ninh, Long Khánh, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Biên Hòa và Phước Tuy. Quân khu 8 hay còn gọi là Khu 2 là vùng Trung Nam Bộ gồm các tỉnh Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Định Tường, Gò Công và Kiến Hòa. Quân khu 9 hay còn gọi là Khu 3 là vùng Tây Nam Bộ gồm các tỉnh An Giang, Châu Đốc, Kiên Giang, Sa Đéc, Vĩnh Long, Phong Dinh và An Xuyên.

Bài viết này chỉ chú trọng đến những gì xảy ra tại quân khu 4 của VNCH nên chỉ đề cập đến hai quân khu 8 và 9 của VC.

2.1.2.2. Các chiến dịch

Trước khi đề cập đến các trận đánh tại quân khu 4 trong năm 1972, có lẽ nên liệt kê chi tiết về các chiến dịch của quân CS trong thời điểm này, để từ đó người ta có thể liên kết được những sự kiện của các trận đánh với nhau và những hệ lụy tiếp theo sau đó (xem Bảng 2). Chi tiết Cửa Việt được ghi ở cuối Bảng 2 để đánh dấu trận đánh cuối cùng được CS cho là thời điểm chấm dứt cuộc TCK năm 1972 của họ.

Trong cuộc TCK năm 1972, ngoài những chiến dịch chính, CS còn tung ra các chiến dịch tiến công tổng hợp để đánh phá kế hoạch bình định của VNCH. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có chiến dịch chính là Nguyễn Huệ với trọng điểm là QL-13. Chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá các tỉnh thuộc hai quân khu 8 và 9 của VC.

Chiến dịch Nguyễn Huệ bắt đầu từ đầu tháng 4/1972 với mục tiêu chủ yếu là đánh phá bình định 4 tỉnh của miền đông là Tây Ninh, Phước Long, Bình Long và Bình Dương. Hướng chính là Lộc Ninh, An Lộc, QL-13. Hướng phụ là QL-22. BTL Miền lập ra BCH Đoàn 301 tương đương cấp quân đoàn để chỉ huy mặt trận này. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm có : Trung tướng Trần Văn Trà là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy; Đại tá Đồng Văn Cống là Phó Tư lệnh; Đại tá Trần Văn Phác là Phó Chính ủy; Đại tá Lê Ngọc Hiền là Tham mưu trưởng; Đại tá Bùi Phùng là Chủ nhiệm hậu cần.

Lực lượng tham dự gồm ba sư đoàn 5, 7, 9; ba trung đoàn biệt lập 24, 205 và 271; ba trung đoàn địa phương 14, 16 và 33; trung đoàn 4329 đặc công; trung đoàn 42 thuộc đoàn pháo binh 75, hai tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, bốn tiểu đoàn cao xạ; 20 tiểu đoàn và 63 đại đội địa phương của các tỉnh, huyện trong địa bàn chiến dịch.

Các chiến dịch tổng hợp phức tạp hơn vì do BTL các quân khu phác thảo, điều động và tùy thuộc vào sức mạnh của lực lượng địa phương cũng như phản ứng của QLVNCH.

Tài liệu của CS sau chiến tranh cho thấy họ không nắm vững chi tiết khi phân tích những gì xảy ra trên địa bàn hai quân khu 8 & 9 (quân khu 4 của VNCH) trong giai đoạn này. Một số tài liệu cho rằng đây là chiến dịch Nguyễn Huệ II như tài liệu được trích đoạn sau đây[43] :

“Chiến dịch Nguyễn Huệ II được tổ chức thành nhiều cao điểm kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6-1972. Địa bàn U Minh và Chương Thiện được xác định là trọng điểm 1, Vĩnh Long và Trà Vinh là trọng điểm 2 của chiến dịch. Ngoài ra ở các tỉnh ta cũng xác định một số khu vực trọng điểm mà những khu vực này có liên quan trực tiếp đến trọng điểm chiến dịch như: Giồng Riềng (Rạch Giá), Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Long Mỹ (Cần Thơ). Mục tiêu chiến dịch được xác định là giải phóng cơ bản U Minh, Cà Mau, mở một số mảng ở Chương Thiện để làm bàn đập tiến công phá thế bình định, kìm kẹp của địch; mở một số mảng ở vùng lúa Bạc Liêu, Cần Thơ, tạo ra những cơ sở vững chắc để phát triển tiến công và nổi dậy mở rộng vùng giải phóng ở miền Tây Nam Bộ”.

Trong khi một số tài liệu khác lại gọi đây là giai đoạn 100 ngày (7/4-17/7/1972) tiến công và nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long, khi viết[44] :

“Từ đầu tháng 4 năm 1972, hòa nhịp với cao trào tiến công và nổi dậy của quân và dân toàn miền Nam, quân và dân đồng bào sông Cửu Long tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở vùng biên giới từ kênh Vĩnh Tế (Hà Tiên) đến vùng Mỏ Vẹt (Kiến Tường), đánh bật tuyến ngăn chận của chúng trong nội địa ở vùng U Minh dài hơn 100 km, đồng thời chọc thủng tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp ở vùng Đồng Tháp Mười. Quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đánh mạnh ở Cà Mau, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, v.v.”.

Để tránh những điểm không rõ ràng như vậy, người ta có thể tập trung nghiên cứu những hoạt động của từng quân khu 8 và 9 của VC.
(Xem Các Chiến Dịch ở phần Phụ Lục cuối trang)

[1] D Andradé, Trial By Fire – The 1972 Easter Offensive, America’s Last Vietnam Battle; Hipocrene Books, New York, 1995.

[2] Đại tá, thạc sĩ Phạm Vĩnh Phúc & nhiều người khác, Tóm Tắt Các Chiến Dịch Trong Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước (1954-1975), trang 279-352; nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2001.

[3] Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập 1963-1975, trang 550-612; nxb Làng Văn, Canada, 2001.

[4] Kampong hay Kampung là tiếng Mã Lai, xuất hiện từ năm 1844 có nghĩa là làng hay xã. Bang Selangor ở phía tây Mã Lai hiện vẫn còn nhiều thị trấn mang tên Kampung như Kampung Jenderam, Kampung Lenang, Kampung Sungai Buah, v.v. Trong chiến tranh thường được viết là Kompong, có lẽ do ảnh hưởng từ thời Pháp thuộc.

[5] Địa danh Long Khốt bắt nguồn từ đoạn thượng lưu của sông Vàm Cỏ Tây khi chảy qua các quận của tỉnh Long An, làm ranh giới thiên nhiên giữa hai tỉnh Long An và Xoài Riêng (Svaay Rieng), còn được gọi là sông Tam Dưỡng, nếu phát âm theo tiếng Miên là Long Khốt.

[6] Cũng cần nên biết sơ qua về quân đội Khmer, khi lãnh đạo bởi Lon-Nol được gọi là quân đội Quốc gia Khmer (Forces Armées Nationales Khmères hay FANK). Năm 1972, FANK có quân số khoảng 200000 và được tổ chức thành 12 lữ đoàn mà phần lớn trú đóng tại phía nam nước Campuchia (CPC). Không quân có 154 phi cơ các loại trong khi hải quân có 69 tàu và chiến đỉnh.
Yếu điểm lớn nhất của quân đội này là sự bành trướng quá nhanh chóng từ năm 1971, khi Thống chế Lon-Nol yêu cầu Mỹ giúp đở kế hoạch gia tăng quân số lên 600 000 quân và một lực lượng bán vũ trang là 53 000 người. Kết quả là có một khoảng cách quá to tát giữa giấc mơ và hiện thực, thêm vào đó là tệ nạn mà quân đội các nước chậm tiến trong thời chiến thường mắc phải, nạn lính kiểng, lính ma và buôn bán quân dụng bất hợp pháp (Lieutenant General Sak Sutsakhan, The Khmer Rupublic at War and the Final Collapse, trang 45-46; U.S. Government Printing Office, Washington, D.C., 20 Novem-ber 1978).

Năm 1970, lãnh thổ Campuchia được chia thành 6 quân khu và tăng lên 9 khi hiệp định Paris được ký kết. Mỗi quân khu bao gồm địa phận từ 1 đến 5 tỉnh.

Để bảo vệ an ninh diện địa của mình và yêu cầu về chiến lược của Mỹ, hai nước Thái Lan và VNCH đã giúp huấn luyện các đơn vị FANK. QLVNCH còn trực tiếp tham chiến khi tình hình đòi hỏi, trên khắp vùng biên giới Việt – Miên. Trong khi quân đội Thái chiến đấu tại Long Chẹn, cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng của Lào.

[7] Tình báo Mỹ cho rằng trung đoàn Z15 đặc công chính là trung đoàn 88 (Intelligence & Security Division, DCSOPS, Daily Intelligence Review, 17 April 1972; item No. 1070312021, http:// www. virtual-archive.vietnam.ttu.edu /starweb /virtual /vva /servlet.starweb, 24/2/2012).

[8] General 1972-3 MAC-V CMD History Part 2, trang 29; item No. 168300010829, http:// http://www.virtual archive.vietnam.ttu.edu /starweb /virtual /vva /servlet.starweb, 9/2/2012.

[9] Lieutenant General Sak Sutsakhan, The Khmer Rupublic at War and the Final Collapse, tài liệu đã dẫn trước, trang 101.

[10] Touk Meas là một thị trấn của tỉnh Kampôt trong khi Kampông Trach là một quận của tỉnh Kampôt, nằm giáp giới với VN, cách tỉnh lỵ Kampôt khoảng 35 km về phía đông.

[11] Lagrange là Chánh tham biện tỉnh Tân An thời Pháp thuộc. Kinh nối liền Ấp Bắc (bây giờ là thị trấn Tân Thành của tỉnh Đồng Tháp) với chi khu Tuyên Nhơn (ngày nay là thị trấn Thạnh Hóa cũng thuộc tỉnh Đồng Tháp).

[12] Cũng tương tự như quân CS tại miền Nam VN, Khmer đỏ gọi lực lượng vũ trang của họ là quân đội cách mạng (Kangtoap Padevoat) hay quân giải phóng (Kang kamlang avutpracheachon rumdos cheat Kampuchea).

[13] K Conboy & K Bowra, The War in Cambodia 1970-1975, trang 7; Osprey Publishing Ltd., UK, 1989.

[14] W P Deac, Losing Ground to the Khmer Rouge; Vietnam Magazine, December 1996.

[15] Vũ Trung Kiên, Ký Ức và Cảm Nghĩ; Bài Viết 25/12/2011, http:// http://www.e207.com.vn /index.php /bai-vit /ngha-tinh-ng-i /189-ky-c-va-cm-ngh.html, 13/4/2012.

[16] Điện thư của cựu Thiếu tá Trương Văn Điền gửi cho tác giả ngày 4/3/2012.

[17] Điện thư của cựu Thiếu tá Nguyễn Văn Răng gửi cho tác giả ngày 5/3/2012.

[18] Lê Ngọc Danh, Trận Đánh Compongrou-Kampuchea Của Tiểu Đoàn 1/10, trang 253; Nguyễn Mạnh Trí tổng hợp, Nguyễn Khoa Nam, Hội Phát Huy Văn Hóa Việt Nam ấn hành, California, 2001.

[19] General D A Starry, Mounted Combat in Vietnam, trang 84-85; U.S. Government Printing Office, Washington, D.C., 1989.

[20] Trần Văn Lưu, Trận Chiến Cuối Cùng Của Quân Đoàn IV, trang 317; Nguyễn Mạnh Trí tổng hợp, Nguyễn Khoa Nam, Hội Phát Huy Văn Hóa Việt Nam ấn hành, California, 2001.

[21] SA-7 là loại hỏa tiển phòng không vác vai do Nga chế tạo năm 1964 và đặt tên là 9K32 Strela-2 (Стрела có nghĩa là mũi tên). Mỹ gọi là SA-7, còn khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt tên là Grail. Quân đội CSBV gọi là A-72. Hỏa tiển dài 1.4 m, đường kính 72 mm, nặng 9.9 kg. Tầm bắn của SA-7 từ 500 đến 1500 m. Cao độ từ 18 m đến 4 500 m. Vận tốc bay là 430 m/giây. Áp dụng nguyên lý đầu dò tầm nhiệt, SA-7 bám theo luồng khí xả của động cơ máy bay hoặc sức nóng của động cơ trực thăng mà bám vào để nổ tung phá hủy mục tiêu. Biến dạng đầu tiên Mod 0 không có bộ phận lọc nhiệt để phân biệt giữa nguồn nhiệt thật và giả (bẫy nhiệt) do đó hỏa tiển không thể tác xạ mục tiêu cách khoảng mặt trời 20º. Cũng không thể tác xạ khi mục tiêu có góc độ nhỏ hơn 5º. Năm 1971, Nga cho ra đời biến dạng Strela-2M (Mỹ gọi là SA-7b trong khi khối NATO đặt tên là Grail Mod 1) với bộ phận lọc nhiệt và cải tiến đầu đạn để kiểm soát đồng bộ các mảnh đạn sau khi nổ. Năm 1974, quân đội Nga được trang bị hỏa tiển 9K34 Strela-3 mà NATO gọi là SA-14 Gremlin. Hỏa tiển có hai đặc tính để cải tiến khả năng của loại Strela-2. Sử dụng đầu dò hồng ngoại tuyến để chống các bẫy nhiệt hiệu quả hơn. Quan trọng nhất là hỏa tiển có thêm bình khí nén nitrogen với công dụng tìm các mục tiêu nguội (không quá nóng) ở tầm xa hơn và có vận tốc nhanh.

[22] South Vietnamese Retake 5 Hamlets; The Daily Register, Monmouth County, New Jersey, 7 August 1972.

[23] Về Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước, Hồi Ức, Đại tướng Lê Đức Anh, Trên Chiến trường Đánh Cho Mỹ Cút, Đánh Cho Ngụy Nhào, trang 239; nxb CTQG, Hà Nội, 2005.

[24] Lieutenant General Ngo Quang Truong, The Easter Offensive of 1972, tài liệu đã dẫn trước, trang 153.

[25] Vũ Trung Kiên, Ký Ức và Cảm Nghĩ; Bài Viết 25/12/2011, tài liệu đã dẫn trước.

[26] Nguyễn Phùng, Đôi Dòng Tiểu Sử; http:// sd9bb.tripod.com, 20/4/2012.

[27] Nguyễn Hoài Nam, Miếu Bắc Bỏ và Những Ông Thành Hoàng Đội Mũ Cối; http:// e24.com.vn, 20/4/2012.

[28] Vị trí nằm giữa QL-13 và TL-2A, cách Bến Cát khoảng 7 km về phía đông-nam.

[29] Bulletin No. 50, Captured Enemy Documents, 5 October 1972, Subject: Directive 13 Originated by COSVN and Vietcong Preparation for the Postwar Period; item No. 11271628046, http:// www. virtualarchive.vietnam.ttu.edu /starweb /virtual /vva /servlet.starweb, 11/2/2012.

[30] Có lẽ phó chính ủy thì đúng hơn vì Lê Văn Tưởng (Hai Chân) thay Trần Độ đang giữ chức Phó Chính ủy BCH Miền khoảng năm 1974 (Về Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước, Hồi Ức, Đại tướng Lê Đức Anh, Trên Chiến Trường Đánh Cho Mỹ Cút, Đánh Cho Ngụy Nhào, tài liệu đã dẫn trước, trang 249).

[31] Theo sắc lệnh số 614b-TT/SL ngày 1/7/1970, các vùng và khu chiến thuật được bãi bỏ. Hệ thống quân khu được tái lập.

[32] Một thiết đoàn gồm có BCH thiết đoàn và 3 chi đoàn thiết kỵ. Ngoài 3 chi đoàn cơ hữu, BCH thiết đoàn còn có :
· 4 thiết vận xa (TVX) thuộc BCH/ThĐ
· 2 TVX chỉ huy M-577
· 1 TVX/M-578 trang bị cần trục
· 1 chi đội yểm trợ với 4 TVX/M-106 trang bị súng cối 4.2 (107 ly) M30
· 1 chi đội xe phun lửa với 3 TVX/M-132.

Mỗi chi đoàn thiết kỵ (chi đoàn TVX/M-113) gồm có 22 xe được tổ chức như sau :
· 2 TVX/M-113 chỉ huy của chi đoàn trưởng và chi đoàn phó
· 3 chi đội thiết kỵ, mỗi chi đội có 5 TVX/M-113
· 1 chi đội yểm trợ gồm có 3 TVX/M-125 trang bị súng cối 81 ly và 2 TVX/M-113 có gắn đại bác 106 ly không giật.

Mỗi TVX/M-113 được trang bị 1 đại liên .50 và 1 hoặc 2 đại liên .30 hay đại liên 7.62 ly M60, được gắn bên hông xe.

[33] 44th Special Tactical Zone HQ MACV Advisory Team 50 – Crum Compound Cao Lanh – Kien Phong Province – IV CTZ; http:// http://www.gingerb.com /vietnam_cao_lanh.htm, 8/1/2012 & Major Philip D. Cane, Project Checo Southeast Asia Report, IV DASC Operation (U), 1965-1969, trang 8; Department of the Air Force, Headquarters Pacific Air Forces, Checo Division, Hickam AFB, HI, 1 August 1969.

[34] Ngày 22/9/1972, khu vực trách nhiệm của BK 44 mới được mở rộng để bao gồm thêm tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên và chi khu Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang (U.S. Naval Forces, Quarterly Historical Summary for July – September 1972, trang 18).

[35] Senior Officer Debriefing Report: Col. Edwin W. Chamberlain Jr., Senior Advisor, 44th Special Tactical Zone 5 July 1972 – 28 January 1973, Department of the Army, Office of the Adjutant General, Washington, D.C., 10 May 1973.

[36] Điện thoại viễn liên với cựu Thiếu tá Trương Phước Hiệp ngày 25/3/2012.

[37] Trầm Phúc Xinh & Nguyễn Bá, Mạch Ngầm, trang 27 & 100; Câu lạc bộ những người kháng chiến tỉnh Kiên Giang xuất bản, 1999.

[38] Miệt Thứ chỉ khu vực nằm dọc theo kinh Xáng, thuộc quận Kiên An, tỉnh An Xuyên (bây giờ là tỉnh Cà Mau), chiều dài khoảng 30 km, cách bờ vịnh Thái Lan 15 km. Sông Cái Lớn chảy ra vịnh Rạch Giá, khi còn cách vàm sông khoảng 8 km có kinh Xáng bên tả ngạn. Kinh này chảy theo hướng đông-bắc, phía tây-nam gặp sông Ông Đốc tại thị trấn Thới Bình. Sông Ông Đốc chảy ra vịnh Thái Lan qua cửa sông Ông Đốc. Bên tả ngạn của kinh Xáng có nhiều rạch mà Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là Thập Câu nghĩa là mười con rạch, được đặt tên theo thứ tự là rạch Thứ Một, rạch Thứ Hai cho đến rạch Thứ Mười. Từ đó vùng này có tên là Miệt Thứ. Xen kẻ 10 con rạch này còn nhiều con rạch khác như rạch Bàu Láng, rạch Xẻo Rô, rạch Rộc Trám, v.v. nhưng có lẽ được đào sau này.

[39] Tuệ Chương Hoàng Long Hải, Hương Tràm Trà Tiên, trang 12; nxb Văn Mới, California.

[40] Sư đoàn 1 CSBV là sư đoàn chủ lực của mặt trận B3, được thành lập ngày 10/12/1965 gồm 3 trung đoàn 33, 66 và 320 (Đặng Hữu Lộc, Chủ biên, Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (1944-1975), trang 510; nxb QĐND, Hà Nội, 2005). Các trung đoàn này xâm nhập riêng rẽ vào miền Nam trong hai năm 1964-65, hoạt động trên cao nguyên. Sau đó, trung đoàn 33 được tách ra thành một trung đoàn biệt lập. Thay vào đó là trung đoàn 88. Đầu năm 1967, trung đoàn 174 thay thế trung đoàn 88. Cuối năm 1968, sư đoàn 1(-) di chuyển xuống miền đông Nam Bộ (Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Ký ức Tây Nguyên, trang 447; nxb QĐND, Hà Nội, 2000). Trung đoàn 101D thay thế trung đoàn 66 đã ở lại cao nguyên. Tài liệu chính thức của quân đội CS lại cho rằng khi xuống miền đông, sư đoàn 1 gồm 3 trung đoàn 95C, 101C và 209 (Đặng Hữu Lộc, Chủ biên, Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (1944-1975), tài liệu đã dẫn trên, trang 602).
Theo một tài liệu khác nữa thì sư đoàn 1 được thành lập năm 1963 và do Trần Văn Trân làm sư trưởng, hoạt động trên cao nguyên Trung Phần. Năm 1968, sư đoàn di chuyển xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long và hoạt động trong vùng Thất Sơn. Năm 1970, trung đoàn 52 thuộc sư đoàn 320 xâm nhập vào Nam để trở thành trung đoàn 46 trong biên chế của sư đoàn (Phạm Văn Phúng, Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng cùng 7 đồng đội đã được về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà; http:// trianlietsi.vn /new-vn /hoat-dong-thuong-nien /1011 /CC%80.vhtm, 2/1/2012). Năm 1972, Chính ủy sư đoàn 1 tên Thương, Phó Chính ủy là Tạ Lệnh (Trần Kiến Quốc, Sau 40 năm, Võ Nguyên Trọng trở về đất mẹ (KQ); http:// dvhnn.org.vn /index.php?language=vi&nv=news&op=savefile, 2/1/2012). Năm 1975, sư đoàn 341 nằm trong đội hình quân đoàn 4 được mang phiên hiệu sư đoàn 1 để ngụy trang.
Đầu năm 1973, Cơ quan Tùy viên Quốc phòng (DAO) ghi nhận sư đoàn 1 có quân số 3 400 người, gồm 2 trung đoàn BB là 52, 101D và trung đoàn 44 đặc công (Col. W E Le Gro, Vietnam from Cease Fire to Capitulation, trang 30; U.S. Governement Printing Ofice, Washington, D.C., in lần thứ hai, 1985).
Ngày 2/10/1973, QLVNCH bắt được hai tù binh thuộc trung đoàn 101D. Cung từ cho biết sư đoàn 1 đã bị giải tán (Col. W E Le Gro, Vietnam from Cease Fire to Capitulation, tài liệu đã dẫn trước, trang 67).

[41] John D. Evans, Province Senior Advisor, Province Report – Dinh Tuong Province and My Tho City; Advisory Team 66, APO 96359, 1 April 1972.

[42] Sau chiến tranh, báo chí CS đã sai lầm khi cho rằng sư đoàn 1 được giải thể vào cuối năm 1969 để có thể đưa các trung đoàn thọc sâu xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long (Nguyễn Phú Dũng, Phiên hiệu đơn vị KT và các đơn vị chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên B3; http:// laodong.com.vn /Home /Phien-hieu-don-vi-KT-va-cac-don-vi-chien-dau-tai-Mat-tran-Tay-Nguyen-B3 /200810 /109241.laodong, 31/3 /2012).

[43] Đại tá, PGS, TS. Hồ Khang, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Tập 7; nxb CTQG, Hà Nội, 2007.

[44] Nguyễn Văn Bình, Lê Như Tiến & Lê Ngọc Tú, Việt Nam Từ Cuộc Chiến Tranh Giải Phóng Dân Tộc Tới Đổi Mới Và Phát Triển (Hồ sơ 60 năm – 1945-2005), trang 263; nxb Lao Động, Hà Nội, 2005.