Sư Đoàn 3 BB.VNCH

Flag_of_the_ARVN_3rd_Infantry_Division.svg

ARVN_3rd_Infantry_Division_SSI.svg

Sư đoàn 3 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Đại bản doanh (cũ): căn cứ Ái Tử, tiểu khu Quảng Trị

• Đại bản doanh: căn cứ Hòa Khánh, đặc khu Đà Nẵng

Sư đoàn 3 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa[1] là đơn vị cấp sư đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, là Sư đoàn Bộ Binh thứ 11 trong tổng số 11 Sư đoàn Bộ Binh thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tồn tại từ năm 1971 đến năm 1975. Là một trong 3 Sư đoàn bộ binh chủ lực trực thuộc Quân đoàn I – Quân khu 1 Việt Nam Cộng Hòa, trách nhiệm bảo an khu vực địa đầu giới tuyến đối diện với Bắc Việt qua sông Bến Hải.

Sư đoàn 3 Bộ Binh ban đầu đặt bản doanh tại Căn cứ Ái Tử, tiểu khu Quảng Trị, sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, lui về căn cứ Hoà Khánh, Đà Nẵng chịu trách nhiệm bảo vệ Quảng Nam, Đà Nẵng và 1 phần phía Tây tiểu khu Quảng Tín.
Đầu thập niên 1970, trước việc Quân Lực Hoa Kỳ đang rút dần khỏi chiến trường Việt Nam, các sư đoàn trực thuộc Lục Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đang trấn đóng vùng địa đầu giới tuyến gồm các Sư đoàn 1 và Sư đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến, Sư đoàn 101 Kỵ Binh Không Vận, Lữ đoàn 9 Viễn Chinh Thủy Quân Lục Chiến đã rút hết về Hoa Kỳ. Trong khi đó, Quân đội miền Bắc thì ngày càng gia tăng áp lực mạnh mẽ trên địa bàn chiến trường B5 Bắc Quảng Trị. So sánh về binh lực và hỏa lực, các đơn vị Bắc quân trở nên mạnh hơn đối phương, lại có ưu thế chủ động và sẵn sàng hơn nhiều. Phía Bắc quân còn liên tục tổ chức các cuộc tấn công mạnh mẽ từ phía bắc của vĩ tuyến 17 qua vùng phi quân sự bờ Nam sông Bến Hải thuộc vùng lãnh thổ do phía Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, thông qua đường mòn Hồ Chí Minh và đường 9 Nam Lào.

Nhờ các hoạt động tình báo mà phía Việt Nam Cộng Hòa đã phát hiện sự chuẩn bị của đối phương. Các chỉ huy cao cấp đều dự đoán trước về cuộc tấn công mới còn dữ dội hơn năm 1968 của Bắc quân. Mặc dù vậy, các đơn vị chủ lực hiện có của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều bị dàn mỏng lực lượng giữ đất, cộng với sự rút quân ồ ạt Quân Lực Hoa Kỳ đã tạo ra lỗ hổng ngày càng lớn cho hệ thống phòng thủ phía Bắc và phía Tây của Quân đoàn I Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trước tình hình đó, cuối năm 1971, Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa quyết định thành lập thêm một Sư đoàn Bộ Binh nữa để chia sẻ nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ với 2 đơn vị bạn là Sư đoàn 1 và Sư đoàn 2 Bộ Binh. Ngày 01/10/11971, Sư đoàn 3 Bộ Binh được thành lập tại căn cứ Ái Tử, Quảng Trị theo Nghị định số 2334-QP/TCTT/NĐ ngày 31/10/1971, trực thuộc Quân đoàn I, chịu trách nhiệm an ninh khu vực giới tuyến và toàn bộ địa bàn tiểu khu Quảng Trị, được mệnh danh là Sư đoàn Bến Hải. Việc thành lập Sư đoàn này khiến cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mất uy tín với Hoa Kỳ vì cam kết sẽ không tăng thêm quân số, vì như thế khiến Hoa Kỳ phải gia tăng viện trợ và mất lòng dư luận trong nước.

Trừ Trung đoàn 2 Bộ Binh là đơn vị chủ lực, rất thiện chiến được chuyển từ Sư đoàn 1 Bộ Binh danh tiếng sang, phần còn lại của Sư đoàn được thành lập vội vã từ đơn vị tân lập với thành phần chủ yếu từ các quân nhân vi phạm kỷ luật như đi phép quá hạn, ba gai, quậy phá hoặc bị báo cáo đào ngũ, từ các quân lao ra được “phục hồi quân ngũ” (hồi ngũ). Vì vậy, Sư đoàn còn có hỗn danh khác là Sư đoàn Giới Tuyến hoặc Sư đoàn Trừng Giới.

Việc trang bị cho Sư đoàn cũng khá vất vả khi chỉ có Trung đoàn 2 là được trang bị vũ khí cá nhân như M16, M60, M79 và tên lửa chống tăng vác vai M72, trong khi đó, 2 Trung đoàn còn lại được trang bị hỗn độn. Ví dụ như cả Đại đội chỉ có vài khẩu M16 và M79, còn lại sử dụng M14 đã lỗi thời và thậm chí cả BAR, M1, chỉ có vài khẩu M72. Trung đoàn Pháo binh chỉ được trang bị pháo M2 105mm đã lỗi thời, trong khi đó các đơn vị bạn được trang bị lựu pháo M101 và M102, lựu pháo 155mm tân tiến hơn. Việc trang bị cho Sư đoàn phần lớn phải đi vay mượn từ những đơn vị bạn hoặc những vũ khí đã cũ được niêm yết trong Tổng kho Long Bình.

Sau khi thành lập không lâu, Sư đoàn buộc phải bước vào tham chiến Mùa Hè Đỏ Lửa trong tình trạng chưa huấn luyện hoàn chỉnh, sức chiến đấu còn khá yếu cộng với việc bị tấn công bất ngờ trong lúc hoán chuyển vùng trách nhiệm cho nhau nên chỉ trong vòng 1 tháng, từ 30/3 đến 2/5/1972, Sư đoàn tan hàng lần thứ nhất tuy đã chiến đấu rất dũng cảm trước sự tấn công mạnh mẽ của phía đối phương. Trung đoàn 56 Bộ Binh đóng tại căn cứ Tân Lâm do Trung tá Phạm Văn Đính chỉ huy ra đầu hàng cùng với 1.500 tay súng, tuy nhiên trong suốt nhiều tuần lễ sau đó, các binh sĩ và sĩ quan của Trung đoàn đã đào thoát và bỏ trốn về vùng của các đơn vị bạn đang trấn đóng, ước tính hơn 1.000 người cùng với những binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân hay bất kì binh sĩ nào của phía Việt Nam Cộng Hòa bị bắt trước đó. Bộ Chỉ Huy Sư đoàn rút về Đà Nẵng, Tư lệnh Sư đoàn là tướng Vũ Văn Giai cùng một số sĩ quan cao cấp bị bắt giam vì làm sụp đổ tuyến phòng thủ phía Bắc Quảng Trị.

Sau khi tan rã lần thứ nhất, Sư đoàn lui về Đà Nẵng, đặt Bộ Tư lệnh tại căn cứ Hoà Khánh và được tái tổ chức lại, chịu trách nhiệm an ninh Tiểu khu Quảng Nam, Đà Nẵng, từ Quế Sơn, Quảng Tín đến đèo Hải Vân, Đà Nẵng. Tướng Nguyễn Duy Hinh được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn. Sư đoàn đã đánh trận phục thù tại Quế Sơn, Quảng Tín và tại đây, lần đầu tiên Sư đoàn đã thực hiện điều mà toàn bộ các đơn vị khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Quân Lực Đồng Minh chưa bao giờ làm được trong chiến tranh Việt Nam. Đó là tiêu diệt hoàn toàn sư đoàn 711 của Bắc quân, xóa tên sư đoàn này trong bản đồ hành quân của quân đội hai miền. Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, Sư đoàn được giao nhiệm vụ lấn chiếm lãnh thổ, tấn công và kiểm soát khu vực căn cứ West, đồi 1460 trước thời điểm hiệp định có hiệu lực, nhằm giành lợi thế kiểm soát lãnh thổ với phía Quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.

Tháng 3 năm 1975, phía Bắc quân mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, quyết tâm giành thắng lợi quân sự cuối cùng. Các đơn vị chủ lực của Việt Nam Cộng Hòa tại Vùng I và Vùng II nhanh chóng tan rã và rút chạy về phía Nam do những yếu kém và sai lầm của các cấp cao nhất. Sư đoàn được lệnh rút về phòng tuyến sông Thu Bồn làm nút chận cho quân bạn rút lui. Tuy nhiên phòng tuyến nhanh chóng tan vỡ. Sư đoàn tiếp tục rút về lập tuyến phòng thủ tại tiểu khu Phước Tuy (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay), gần Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp – thị xã Bà Rịa, lúc này Sư đoàn chỉ còn hơn 3.000 tay súng. Sư đoàn đã chiến đấu và tan hàng tại đây ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Có một số tài liệu ghi lại, trong thời gian đầu của Mùa Hè Đỏ Lửa, việc làm mất Quảng Trị từng khiến cho Tổng thống Thiệu muốn đổi phiên hiệu Sư đoàn 3 thành Sư đoàn 27 Bộ Binh vì ông cho rằng số 3 là con số xui. Tuy nhiên việc này đã được Trung tướng Ngô Quang Trưởng ngăn cản và cam kết sẽ biến Sư đoàn thành Sư đoàn Bộ Binh xuất sắc nhất Vùng I.

Đơn vị trực thuộc & yểm trợ

Trung đoàn 2 Bộ Binh
Trung đoàn 56 Bộ Binh
Trung đoàn 57 Bộ Binh
Đại đội Tổng Hành Dinh
Đại đội Trinh Sát (đặt dưới quyền điều động trực tiếp từ Tư lệnh Sư đoàn)
Đại đội Công Vụ
Đại đội Quân Cảnh
Đại đội Vận tải (Quân Xa)
Đại đội Hành chính Tài chính
Biệt đội Quân Báo
Biệt đội Tác Chiến Điện Tử
Biệt đội Kỹ thuật
Tiểu đoàn Quân Y
Tiểu đoàn Truyền Tin
Tiểu đoàn Tiếp Vận
Tiểu đoàn Công Binh Chiến Đấu
Trung đoàn Pháo Binh
Thiết đoàn 11 Kỵ Binh (trực thuộc Lữ đoàn 1 Kỵ binh phối trí – đặt dưới quyền điều động trực tiếp từ Tư lệnh Sư đoàn)

Các đời tư lệnh
STT Họ tên Cấp bậc Thời gian tại chức Chú thích
1 Vũ Văn Giai Chuấn tướng Từ 1/11/1971 đến 3/5/1972 Tư lệnh đầu tiên
2 Phạm Văn Chung Đại tá Từ 3/51972 đến 9/6/1972 Xử lý thường vụ chức Tư lệnh trong thời gian chờ bổ nhiệm Tư lệnh chính thức
3 Nguyễn Duy Hinh Chuẩn tướng Từ 9/6/1972 đến 29/3/1975 Tư lệnh cuối cùng
————————
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia